Khi lãnh đạo ngành lâm nghiệp xấu hổ

Gỗ lậu chỉ đổ xuống đường và bộ mặt thật của lâm tặc mới lộ ra, khi chiếc xe tải chở gỗ gây tai nạn.

Mấy ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về vụ cán bộ kiểm lâm hộ tống xe chở gỗ lậu bị lật ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An làm chết 10 người. Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, đây là vụ việc rất đáng xấu hổ của lực lượng kiểm lâm cả nước.

Ông cha ta từ xưa có câu “Chọn mặt gửi vàng”, nghĩa là khi gửi cái gì quý giá, giao cho ai việc gì quan trọng, hoặc định nhờ vả ai một việc nghiêm túc thì phải biết “chọn mặt”, tức là chọn người đáng tin tưởng mà giao phó. Nếu  chọn nhầm người không đáng tin cậy thì khác gì “đem trứng gửi cho ác”, tức là đem những thứ đáng trân trọng, giữ gìn gửi cho kẻ tà tâm, không những tiền mất tật mang mà đôi khi còn hệ lụy tới mọi người.

Ngẫm lại câu nói của người xưa để thấy rằng, cha ông ta quả là thâm thúy. Lại càng thấy rằng chúng ta đã có quá nhiều sơ hở trong khi chọn người để giao việc, nhất là trong những lĩnh vực mà người thực thi công vụ dễ bị tác động bởi tiền tài và quyền lực.

Gỗ lật mới "ra mặt" kiểm lâm (Ảnh: KT)

Chuyện 5 cán bộ kiểm lâm ở Nghệ An, trong đó có ông Phó Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Huống bị bắt để điều tra vì tiếp tay cho lâm tặc, cho thấy chúng ta đã không biết “chọn mặt gửi vàng” khi giao hàng mấy chục nghìn ha rừng quốc gia cho những tên lâm tặc, nấp sau màu áo kiểm lâm.

Vụ vận chuyển gỗ lậu gây tai nạn làm chết 10 người. Đó là nỗi đau khôn cùng với những gia đình mất người thân. Còn với xã hội, đó là nỗi đau của những người lãnh đạo, biết mà không làm sao ngăn chặn được. Ông Hà Công Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã thừa nhận: “Chuyện kiểm lâm áp tải gỗ lậu như ở Nghệ An không phải lần đầu tiên xảy ra, song đây là vụ nghiêm trọng, được tổ chức rất quy củ và lại gây tai nạn làm chết nhiều người”. 

Người dân có quyền đặt câu hỏi: Liệu có bao nhiêu chuyến gỗ lậu đã được những lâm tặc, nấp bóng kiểm lâm, áp tải về xuôi trót lọt. Bởi rõ ràng gỗ lậu chỉ đổ xuống đường và bộ mặt thật của lâm tặc mới lộ ra, khi chiếc xe tải chở gỗ gây tai nạn.   

Điều đáng nói, như ông Hà Công Tuấn thừa nhận là tình trạng này Trung ương biết đã lâu, nhưng con người lại do địa phương quản lý, Trung ương không thể làm hết mọi việc mà chủ yếu là chỉ đạo và làm điểm. Một khi trên bảo dưới không nghe, hoặc trên bảo mười, dưới chỉ làm một, hai thì mọi nỗ lực, quyết tâm của Trung ương vẫn chỉ nằm trên giấy, lời kêu gọi quyết tâm giữ rừng – dù đó là rừng quốc gia, là tài nguyên quý báu của đất nước cũng sẽ bị những kẻ sâu mọt này gửi theo gió bay đi.

Đây chính là nguyên nhân vì sao, sau bao nhiêu nỗ lực của Chính phủ, bao nhiêu cuộc họp liên ngành, xác định công việc giữ rừng là của cả hệ thống chính trị, mỗi năm, nước ta vẫn mất gần 32.000 ha rừng, mà trên 90% trong số đó lại có nguyên nhân từ sự yếu kém trong công tác quản lý.

Tình trạng phá rừng, vận chuyển, chế biến, mua bán lâm sản trái pháp luật diễn ra ngày càng phức tạp, được các "đầu nậu" tổ chức chặt chẽ, với nhiều thủ đoạn tinh vi, thậm chí manh động.

Vụ vận chuyển gỗ lậu gây tai nạn làm chết 10 người ở huyện Con Cuông, Nghệ An mới đây, rồi vụ vận chuyển 15 toa gỗ trắc, gỗ hương công khai bằng đường sắt từ Tây Nguyên ra Bắc Ninh bị bắt giữ tại ga Gia Lâm (Hà Nội) trong tháng 11 và rất nhiều vụ kiểm lâm tiếp tay cho phá rừng ở các địa phương nữa cho thấy từng ngày, từng giờ, rừng vẫn đang chảy máu.  

Là lãnh đạo lâu năm của ngành kiểm lâm, ông Phó Tổng cục trưởng Hà Công Tuấn cảm thấy "xấu hổ", khi thừa nhận có đường dây cấu kết giữa kiểm lâm, lâm tặc và chính quyền địa phương để phá rừng. Còn người dân thì hơn thế nữa, họ thất vọng về những người được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó cho trách nhiệm gìn giữ tài nguyên quốc gia.

“Lấy của rừng rưng rưng nước mắt”, liệu còn có bao nhiêu người chưa hiểu và cố tình không hiểu điều giản đơn này, liệu còn bao nhiêu chúa rừng như Trịnh Thanh Long chưa bị lộ mặt? Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sau vụ tai nạn ở Pù Huống. Nhưng có lẽ, bài học đơn giản nhất, thiết thực nhất là: Quản lý bảo vệ rừng… Xin đừng gửi trứng cho ác!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên