Khi nạn nhân là “thủ phạm” gây cháy...

Hậu quả đau lòng do sự chủ quan, coi thường luật pháp của cả chủ và thợ lao động lẫn sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ hoả hoạn gây chết người mà nguyên nhân do sự chủ quan của con người. Đau lòng hơn, nhiều nạn nhân trong những vụ cháy đó lại chính là “thủ phạm” gây cháy.

Trong số những án mạng vì hoả hoạn, phải kể đến hai vụ tiêu biểu gần đây nhất là vụ cháy tại quán bar, cà phê Ez Club ở số 55 phố Mã Mây (Hà Nội, khoảng 17h30 chiều 7/7) khiến 2 người thiệt mạng. Nguyên nhân do một số thợ hàn đang làm việc ở tầng 2 của quán, do bất cẩn, nhóm thợ để các tia lửa hàn rơi xuống tầng 1, bén vào các vật dụng dễ cháy, khiến lửa bùng cháy. Do vụ cháy nằm trong khu phố cổ, công tác cứu hoả gặp nhiều khó khăn nên hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Còn vụ cháy kinh hoàng mới đây (khoảng 16h chiều 29/7) tại một xưởng gia công giày ở xã Tân Dân (huyện An Lão, Hải Phòng), khiến 13 người bị chết (10 nữ, 3 nam) và hơn 20 người bị thương nặng. Điều đáng nói, xưởng gia công giày này không có giấy phép đăng ký kinh doanh, hoạt động gần 1 tháng nay, với khoảng 50 lao động làm việc thường xuyên. Xưởng rộng khoảng 70m2, được làm tạm bợ và không lối thoát hiểm, chỉ có duy nhất 1 cửa ra vào. Do đó, khi xảy ra hỏa hoạn, mọi người không thể thoát ra ngoài. Người dân khu vực cũng không thể vào cứu nạn nhân. Nguyên nhân được xác định là do thợ hàn làm xỉ rơi xuống nguyên liệu gây cháy lớn.

Hiện trường vụ cháy ở Hải Phòng

Rõ ràng, hai vụ hoả hoạn làm chết 15 người này đều có nguyên nhân do sự chủ quan, thiếu ý thức phòng chống cháy nổ của cả chủ và thợ lao động. Mặc dù chắc chắn một điều, bản thân các “thủ phạm” cũng không muốn tai hoạ xảy ra, nhất là khi họ cũng thành nạn nhân. Song, ranh giới mong manh giữa sự bất cẩn và những cái chết thương tâm đã hiện rõ trong các vụ cháy. Bất kể họ là ai, chủ hay thợ, chỉ bất cẩn một lần, hậu quả khôn lường đã là mãi mãi.

Xét kỹ có thể thấy, sự bất cẩn của những người thợ trong hai vụ cháy này không phải là hành động nhất thời. Nó là hệ quả một quá trình tất yếu của thái độ chủ quan, của hành vi vô kỷ luật trong lao động của cả ông chủ lẫn người làm thuê. Bởi lẽ lâu nay, trong không ít môi trường lao động, khẩu hiệu “an toàn là bạn, tai nạn là thù” hay “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” đã được treo lên, hoặc chí ít người ta cũng được nhắc nhở bởi những người đại diện cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong các cuộc họp, trong các buổi thanh tra kiểm tra, hay được rao giảng bởi chính những ông chủ sử dụng lao động cho những người công nhân, người thợ của mình. Nhưng, dường như một căn bệnh chung của xã hội, người ta vẫn thường “nói nhiều hơn làm”. Nhiều khi người ta vẫn treo khẩu hiệu cho gọi là có, thậm chí khẩu hiệu chỉ vang lên trong những câu nói mang hình thức tuyên truyền trong các cuộc họp. Còn cái quan trọng hơn, cần hơn là hành động chấp hành kỷ luật an toàn lao động trong thực tiễn thì còn chểnh mảng. Đã thế, cộng thêm công tác kiểm tra, giám sát lỏng lẻo nên người ta vẫn cứ thản nhiên đùa giỡn với tử thần. Thành ra, thói chủ quan, vô kỷ luật cũng nhởn nhơ tràn lan trong môi trường lao động.

Vụ cháy ở phố Mã Mây kể trên là hậu quả sự chủ quan trong môi trường lao động nhất thời. Nhưng còn cháy tại xưởng giầy ở An Lão, không thể là nhất thời chủ quan của người lao động. Nó là hậu quả của cả sự vô kỷ luật, coi thường pháp luật nghiêm trọng của chủ xưởng lẫn sự thiếu sát sao của cơ quan chức năng địa phương. Bởi lẽ, nếu ông chủ có ý thức chấp hành pháp luật tốt thì không thể dựng lên một xưởng như thế. Hơn nữa, xưởng còn hoạt động cả tháng trời trong điều kiện “không có giấy phép đăng ký kinh doanh, rộng khoảng 70m2, được làm tạm bợ và không lối thoát hiểm” mà thường xuyên có tới khoảng 50 lao động làm việc.

Một câu hỏi đặt ra, chẳng lẽ quy mô xưởng này vẫn còn bé tới mức cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không nhìn, không nghe thấy về sự tồn tại của nó? Điều khiến dư luận giật mình hơn khi sau vụ việc, thông tin trên báo chí cho biết, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng – ông Dương Anh Điền đã giao Sở Công thương rà soát khẩn cấp toàn bộ các xưởng "chui" trong dân. Vậy thử hỏi, nếu như không có sự cố tại An Lão, đến bao giờ cơ quan chức năng mới “rà soát các xưởng chui”? Và, đối với những hành vi thiếu trách nhiệm, mất an toàn lao động nói chung và vi phạm những quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng nói riêng bao giờ mới được kiểm soát để những cái chết thương tâm không còn xảy ra vì những nguyên nhân tưởng như không thể chính do bất cẩn, thiếu kỷ luật an toàn lao động của con người.

Trước thực trạng này, hơn ai hết, mỗi cá nhân cần nghiêm túc từ bỏ thái độ và hành vi chủ quan trong lao động sản xuất. Mỗi người lao động đều có quyền đòi hỏi “ông chủ” đảm bảo môi trường lao động an toàn cho mình, kiên quyết tẩy chay những môi trường lao động thiếu an toàn. Cả xã hội cần mạnh mẽ đấu tranh loại bỏ những cá nhân, tập thể còn có thái độ và hành vi thiếu trách nhiệm với sự an toàn của người khác. Và trên hết, phải thực thi nghiêm minh luật pháp về an toàn lao động đối với mọi đối tượng liên quan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên