Khi nỗi kinh hoàng chỉ người dân gánh chịu
Một vị Thứ trưởng đi kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm mới thấy rùng mình, kinh hoàng, trong khi những cơ sở ấy vẫn làm như thế từ nhiều năm nay…
- Sản phụ chết tại bệnh viện, con nguy kịch
- Sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ: Sẽ xử lý nghiêm đơn vị sai phạm
- Lợi ích có thực sự đến với nông dân?
Tai nạn kinh hoàng khi hàng triệu m3 phế thải từ mỏ than Phấn Mễ ở Đại Từ - Thái Nguyên ầm ầm đổ xuống chôn vùi hàng chục ngôi nhà cùng nhiều người dân. Xóm quê bình yên đến giờ vẫn chìm trong tang tóc, thê lương, bởi nhiều nạn nhân chưa được tìm thấy.
Còn nhiều vụ việc khác nữa liên quan đến an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh... mà nếu như cơ quan chức năng và các địa phương không làm hết trách nhiệm, thì nỗi kinh hoàng từ chỗ là cảm giác nhất thời, đơn lẻ có thể sẽ trở thành trạng thái kéo dài trên diện rộng.
Vụ việc kinh hoàng ở Phấn Mễ xảy ra trong điều kiện thời tiết hết sức bình thường. Không có mưa lớn, lũ quét, càng không có động đất... Vậy nên đây là “nhân tai” chứ không phải thiên tai. Đó là lời cảnh báo nghiêm khắc về việc coi thường công tác quản lý đổ thải, không chỉ ở Phấn Mễ, mà đối với cả ngành than và khoáng sản nói chung.
Cùng với ngành than, còn có trách nhiệm của Công ty Gang thép Thái Nguyên, của các cơ quan chức năng và địa phương. Bởi hiện tượng sạt lở ở Phấn Mễ từng xảy ra vào các năm 1998 và 2006. Trước những nguy hiểm ấy, người dân đã nhiều lần gửi đơn đề nghị tới các cơ quan chức năng và mỏ than, nhưng chưa một lần được hồi âm.
Công ty Gang thép Thái Nguyên thì khẳng định đã đề xuất di dời những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm. Việc di dời đã được dự tính nhiều lần, nhưng còn vướng mắc trong khâu đền bù, đồng thời phía chính quyền cũng chưa tính toán và đưa ra phương án cụ thể.
Tai nạn ở Phấn Mễ như vậy rõ ràng là đã được báo trước, nhưng nỗi kinh hoàng vẫn xảy ra vì đơn vị chủ quản, cơ quan chức năng và địa phương chưa làm hết trách nhiệm hoặc có làm nhưng không rốt ráo. Tính mạng của người dân phải chăng không đáng quan tâm bằng những mối lợi này khác?
Thái độ ấy của những người có trách nhiệm chính là nguyên nhân reo rắc nỗi kinh hoàng có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ lĩnh vực nào, mà tai nạn giao thông là những ví dụ điển hình. Mới đây là vụ xe chở khách chạy trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Thuận đã lao thẳng xuống ruộng. 45 hành khách trên xe tuy thoát chết nhưng đến giờ có người vẫn chưa hoàn hồn.
Còn ở thành phố Hồ Chí Minh có xe tải mất phanh húc loạn xạ, khi dừng lại còn “cưỡi” lên dải phân cách. Nhiều người đi xe máy gần đó vội nhảy khỏi xe chạy ra chỗ an toàn rồi mà vẫn chưa hết sợ. Tại Đà Nẵng, ôtô tải khi đi qua vòng xoay Ngô Quyền – Yết Kiêu quệt vào một xe máy rồi kéo đi vài chục mét, làm 1 người chết tại chỗ và 1 người bị thương nặng. Vòng xoay này có khúc cua gấp, xe đầu kéo qua đây rất dễ lật hoặc va quệt gây chết người. Khi thành phố Đà Nẵng làm vòng xoay ở đây, đã có nhiều ý kiến đề nghị thiết kế khác đi, nhưng đơn vị chức năng không tiếp thu.
Ở những vụ việc kể trước là xe tải mất phanh, hay xe khách chạy nhanh lao xuống ruộng, thì lỗi trước hết do tài xế, nhưng cũng có nguyên nhân từ tình trạng không làm hết trách nhiệm của chủ xe, của cơ quan đăng kiểm, của lực lượng đảm bảo an toàn giao thông...
Còn nhiều vụ việc khác nữa cũng kinh hoàng tương tự. Vừa rồi, một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đi kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm ở Hà Nội mới thấy rùng mình về sự mất vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi những cơ sở ấy vẫn làm như thế từ nhiều năm nay.
Nơi giết mổ thì như vậy, còn ở chợ đang xuất hiện công nghệ “hô biến” thực phẩm ôi thiu bốc mùi thành thực phẩm tươi sống, được bán với giá rẻ. Và vẫn như mọi khi, lần này chưa thấy cơ quan chức năng nào quan tâm kịp thời và rốt ráo tới miếng ăn hàng ngày của người dân, hay chỉ bởi vì họ là những người có thu nhập thấp?
Thái độ tương tự cũng xảy ra ở nơi này nơi khác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như về dịch bệnh viêm da lạ ở Quảng Ngãi, báo chí đã phản ánh báo động từ hơn một năm nay, nhưng ngành y tế đến giờ vẫn chưa xác định được nguồn cơn, và còn đang đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ tìm nguyên nhân gây bệnh?!
Với thái độ như thế của những người có trách nhiệm, thì nỗi kinh hoàng từ chỗ là cảm giác nhất thời, đơn lẻ có thể sẽ trở thành trạng thái kéo dài trên diện rộng. Mong rằng mỗi người trên cương vị của mình hãy làm hết trách nhiệm, làm kịp thời và rốt ráo, đừng để nỗi kinh hoàng trở thành trạng thái.
Bởi khi các quan chức đến hiện trường hay kiểm tra từng vụ việc cụ thể có thể phát ngôn là “kinh hoàng”, nhưng trên thực tế chỉ có người dân là thay nhau gánh chịu trạng thái kinh hoàng đó mà thôi./.