Khổ vì giàu
Nhiều làng ven biển của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định trở nên xơ xác trước tình trạng khai thác titan
Xung quanh câu chuyện các công ty khai thác titan làm tan hoang một dải bờ biển miền Trung, trên tờ Tuổi Trẻ TPHCM ngày 9/6/2011, nhiều lãnh đạo ở các địa phương này đã lên tiếng phủ nhận thông tin mà người dân phản ánh trên báo chí. Có vị, thậm chí còn khẳng định người dân ở vùng có dự án khai thác titan đang được hưởng lợi, và… thấy mừng. Cái sự mừng, hay lo rõ ràng phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Song, có một thực tế đang diễn ra ở nước ta, đó là nhiều người dân đang khổ sở vì sự giàu có tài nguyên.
Theo logic thông thường, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú là một lợi thế quan trọng để phát triển. Điều đó hoàn toàn hợp lý, giống như sự giàu có của của các vương quốc dầu mỏ. Song, câu chuyện về sự phát triển không phải bao giờ cũng tuân theo logic thông thường.
Nhật Bản, Hàn Quốc không giàu tài nguyên, Singapore thậm chí phải nhập khẩu cả nước ngọt. Nhưng họ vẫn phát triển một cách nhanh chóng và bền vững. Những nước châu Phi như Nigieria, Kenia, Congo… đều là những quốc gia “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” nhưng vẫn nghèo. Và cả Việt Nam cũng vậy. Nghịch lý giàu, nghèo này tưởng như phi logic, nhưng nó là một sự thật không hề lạ lẫm, thậm chí đã được những nhà nghiên cứu gọi tên bằng khái niệm: Lời nguyền tài nguyên.
Về mặt khách quan, một đất nước giàu có về tài nguyên thường có xu hướng trở thành nạn nhân của những quốc gia có nền công nghiệp phát triển, những kẻ luôn khao khát tài nguyên. Vì vậy, sự giàu có tài nguyên chính là mầm mống của chiến tranh. Dĩ nhiên, nó cản trở trạng thái bình yên ở các quốc gia đó.
Về chủ quan, lời nguyền tài nguyên chính là sự cám dỗ nội tại của thứ lợi ích vật chất chỉ cần đào lên là bán được. Nó tạo ra một quyền lực to lớn với những con người nắm giữ quyền kiểm soát nguồn tài nguyên. Dĩ nhiên, khi đó, sự mừng rỡ, hay âu lo vì nỗi giàu tài nguyên còn tùy thuộc ở góc nhìn của mỗi người. Và những góc nhìn đó thường trái ngược nhau.
Trở lại với những vùng trọng điểm titan miền Trung. Khi ông phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Ở những nơi khai thác titan, cuộc sống của người dân cũng… không có vấn đề gì xảy ra.” Thậm chí, ông này còn cho rằng “Người dân ở các vùng đó thấy… mừng lắm!” – Chính vì cái ý nghĩ rằng người dân mừng lắm mà ông này ra sức bảo vệ việc khai thác titan của các doanh nghiệp, khen ngợi các doanh nghiệp đó không chỉ đảm bảo tốt các tiêu chí môi trường, mà còn hết lòng vì cộng đồng (!).
Ông phó Giám đốc sở TN&MT Quảng Trị cũng như các ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, và Quảng Bình đều đứng trên một góc nhìn của những người có quyền lực cho phép hay không cho phép các doanh nghiệp nào được, hoặc không được khai thác titan trên địa bàn quản lý của mình. Chính vì vậy, họ có chung một nhận định “Việc quản lý khai thác titan cơ bản được thực hiện nghiêm túc, không có ảnh hưởng lớn tới môi trường.” Và cũng chính vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã cấp hơn 20 giấy phép tận thu khai thác titan.
Đứng ở góc nhìn ấy, họ không thấy được những người dân duyên hải đau khổ ra sao khi bão cát mịt mù bao phủ những ngôi nhà xập xệ của người dân, không thể chứng kiến tận mắt những hàng cây héo khô được trồng lại sau khi hoàn thổ khai trường, và họ cũng không thể nghe thấy tiếng kêu cứu của người dân vì ruộng đất canh tác bị ô nhiễm.
Người dân sống trên những mảnh đất giàu tài nguyên đang kêu cứu. Khi kêu cứu, dĩ nhiên họ không nghĩ rằng cuộc sống của họ không xảy ra vấn đề gì, không thấy… mừng lắm như cách thấy của ông Phó giám đốc sở TN&MT Quảng Trị.
Những người dân đang kêu cứu đứng ở góc nhìn khác. Họ không có quyền lực gì đối với sự giàu có này. Họ chỉ có quyền đứng nhìn ruộng đồng, nhìn những rừng cây bảo vệ họ trước bão cát bao đời nay bị phá bỏ để nhường chỗ cho khai trường titan.
Về mặt lý thuyết “Tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân”. Song, trên thực tế, ở nhiều địa phương tài nguyên thành nguồn lợi của chỉ một số người, sử dụng nguồn của cải khổng lồ ấy để ban phát, đổi lấy những món lợi cụ thể khác.
Những doanh nghiệp, những tập đoàn được nhận sự ban phát ấy sẽ phải làm mọi cách để tận dụng tối đa sự ban phát này. Họ sẽ tiết giảm những chi phí không đem lại lợi nhuận như chi phí bảo vệ môi trường chẳng hạn. Và khi đã khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên đó, trên tinh thần tận thu, họ sẽ nhanh chóng rút đi, để lại một khai trường trống rỗng, ngổn ngang, nham nhở, để lại những người dân nghèo vật lộn với sự tan hoang.
Trở lại với câu hỏi: Vì sao sự giàu có về tài nguyên lại không đồng hành với việc phát triển của đất nước? Điều tưởng như nghịch lý ấy, hóa ra lại vô cùng dễ hiểu. Bởi khi số của cải ấy chỉ thuộc về một số ít người, họ sẽ ứng xử với nó theo cách của mình, không quan tâm đến lợi ích của người khác. Và sự giàu có về tài nguyên, khi đó chỉ mang lại sự bất bình đẳng, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, và cũng gia tăng sự khác biệt trong góc nhìn của những con người sống trên đống của cải không phải là vô tận đó./.