Khổ vì tin đồn
Mỗi người dân và cộng đồng cần bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin mang tính khác lạ, bất thường không có nguồn gốc
>> Kết luận của WWF về cá tra Việt Nam thiếu tính minh bạch
>> Cá kèo “chết” vì tin đồn ác ý
Cho đến giờ này, mặc dù tin đồn vô lý về chuyện ăn cá kèo dẫn đến ung thư đã được các cơ quan chức năng khẳng định là thiếu căn cứ khoa học và thông tin ấy chỉ là sự cạnh tranh xấu của một số thương lái, song giá cá kèo ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã giảm nhanh từ mức 160.000 đồng/kg xuống còn khoảng 50.000 đồng/kg, khiến người nuôi cá thua lỗ nặng. Vậy là cả một vùng nuôi cá của 2 tỉnh ở ĐBSCL rơi vào bế tắc đầu ra. Mà nguyên do chỉ là từ một tin đồn.
Đây không phải lần đầu tiên những thông tin thất thiệt như thế xuất hiện và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Trước đó, trong khi lượng gạo xuất khẩu vẫn đạt khoảng 4 - 5 triệu tấn mỗi năm thì lại xảy ra tin đồn hết sức vô lý rằng Việt Nam hết gạo, không còn đủ gạo để ăn. Vậy mà cũng có nhiều người tin. Thế là ùn ùn đổ xô đi mua gạo để tích trữ với giá cao gấp ba, bốn lần ngày thường. Rồi chỉ vài ngày sau mới vỡ lẽ và hối tiếc vì đã mất công mất tiền không đáng có. Chỉ vì nghe tin đồn.
Trên thương trường cạnh tranh khắc nghiệt, những tin đồn ác ý như thế có thể làm phá sản một doanh nghiệp, có thể khiến cả một vùng lâm vào tình trạng khó khăn với mặt hàng chủ lực của địa phương. Chuyện con cá kèo ở Cà Mau và Bạc Liêu hiện nay là một ví dụ. Các cơ quan chức năng địa phương cuối cùng cũng đã tìm ra nguồn gốc của tin đồn là một số thương lái do thấy cá được mùa, đã dùng thủ đoạn này để ép giá người nuôi cá, khiến bà con phải bán đổ bán tháo với giá rẻ.
Rồi chuyện bỗng dưng những quả bưởi đang tươi ngon là thế, đang ùn ùn xuất khẩu ra nước ngoài mang lại lợi nhuận kha khá cho người nông dân trồng bưởi, lại bị đồn đại là ăn vào sẽ bị ung thư. Cho dù sau đó sự thật đã được chứng minh thì tin đồn ác độc ấy cũng kịp phá hủy nhiều hợp đồng xuất khẩu bưởi làm thiệt hại lớn cho cả bà con trồng bưởi và doanh nghiệp xuất khẩu. Thật là một sự ác độc.
Ngay cả con cá tra Việt Nam - loại thực phẩm giàu chất đạm lâu nay vẫn cung cấp tới 95% nhu cầu cá tra của thị trường thế giới, bỗng dưng bị cho là có chất độc, bị đưa vào danh sách đỏ rồi được khuyến cáo không nên ăn. Mà người đưa ra cái gọi là tuyên bố này lại là những tổ chức chưa bao giờ đến Việt Nam, chưa bao giờ nhìn thấy các ao nuôi cá tại Việt Nam, mà chỉ là đi nghe lại từ một công ty thứ ba. Ấy cũng chính là một loại tin đồn thất thiệt nguy hại.
Dẫu rằng chỉ trong ít ngày Tổ chức WWF đã kịp thời đến tận Việt Nam để nhận lỗi, sửa sai, trả con cá tra về giá trị đúng của nó, thế nhưng thông tin thất thiệt như thế cũng đã kịp làm nhiều người nuôi cá hoang mang, khiến các tổ chức hiệp hội ngành nghề, các đơn vị cơ quan liên quan phải tốn thời gian, tiền bạc và công sức để chứng minh một sự thật đã hiển nhiên từ bao lâu nay.
Đã gọi là tin đồn thì bao giờ cũng mang tính thổi phồng, làm cho to chuyện, cho huyền bí hơn và thật giật gân. Vấn đề là mỗi người dân và cộng đồng cần bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin mang tính khác lạ, bất thường không có nguồn gốc như thế. Chung quy hậu quả tin đồn gây ra lâu nay cũng là do người dân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết.
Trong thực tế, chúng ta nói nhiều đến chuyện trừng phạt các đối tượng đầu cơ lũng đoạn thị trường, song hầu như chưa có cá nhân hay đơn vị, tổ chức nào bị phát hiện và bị xử lý về hành vi tung tin đồn. Lẽ ra, các cơ quan chức năng phải làm rõ sự việc và xử lý kịp thời. Phải nghiêm trị những kẻ đã tung ra các tin đồn, thậm chí phải trừng phạt cả những người đã góp phần gieo rắc tin đồn, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội./.