Khoe mẽ và chênh lệch giàu nghèo
Đúng lúc lạm phát tăng cao, đời sống của đa số người dân gặp vô vàn khó khăn, thú chơi xe siêu sang lại gia tăng khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Ôtô là một trong những phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của con người, nhưng mua xe đắt tiền để phô trương sự giàu sang thì chưa phù hợp với điều kiện giao thông và mặt bằng chung của đời sống nhân dân hiện nay.
Đối với những người có điều kiện kinh tế khá giả thì “chơi” ôtô siêu sang là thứ đam mê còn tốt hơn nhiều thú vui khác. Nhưng cách chơi thì không chỉ thể hiện văn hoá của riêng họ, mà còn có tác động mạnh đến nhận thức của nhiều người xung quanh, ảnh hưởng đến văn hoá cộng đồng và xã hội nói chung.
Kinh tế phát triển, ngày càng có nhiều người sắm ôtô cá nhân đắt tiền, có chiếc giá lên tới hàng chục tỉ đồng. Có người còn mua cả máy bay.
Những siêu xe tham gia hành trình Car&Passion tại Việt Nam tháng 8/2011 (Ảnh:vnexpress) |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, ôtô nguyên chiếc nhập về tăng trên dưới 40% cả về số lượng và giá trị so với cùng kì năm ngoái. Những loại xe ôtô đắt tiền từ một đến vài chục tỉ đồng nhập về tăng đều đặn hàng năm từ 15- 20%.
Phải khẳng định đó là tín hiệu đáng mừng, vì hầu hết chủ nhân của những chiếc xe đó là những người làm ăn thành đạt, mua ôtô sang, mua máy bay để vừa đáp ứng yêu cầu công việc, vừa phục vụ nhu cầu cá nhân.
Phương tiện đi lại sang trọng giúp họ có thêm nhiều mối quan hệ với những hợp đồng mới, mở ra cơ hội về công ăn việc làm cho nhiều người, tăng thêm lợi nhuận và mức thuế nộp cho ngân sách.
Việc nhập khẩu những chiếc máy bay và ôtô đắt tiền tuy góp phần làm tăng mức nhập siêu, nhưng các chủ nhân của phương tiện ấy đã nộp thuế và đóng bảo hiểm đáng kể cho chính phương tiện sang trọng của mình.
Tuy nhiên, nhìn nhận rộng ra thì trước hết phải thấy rằng điều kiện đường sá giao thông ở nước ta nhìn chung chưa đáp ứng kịp nhu cầu có thật ấy. Đối với hầu hết những con đường, kể cả gọi là đường cao tốc hiện nay cũng chỉ cho phép chạy với tốc độ “khiêm tốn” hơn so với tốc độ của các siêu xe.
Ngay con đường cao tốc tốt nhất nước hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương cũng chỉ cho phép chạy tới 110 km/h, vậy mà mới đây đã có một dàn xe siêu sang chạy đua tới hơn 200 km/h! Nhiều người phải lắc đầu lo ngại.
Tất nhiên không phải ai mua xe siêu sang cũng chạy đua, mà đó thường là những quí tử tuổi còn trẻ đã quen hưởng thụ nhiều hơn việc nghĩ đến trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Một số loại xe siêu sang chỉ cần nẹt pô là đã gây hốt hoảng cho người tham gia giao thông xung quanh!
Về những cuộc diễu hành như chương trình “Xe và đam mê siêu xe” diễn ra hồi cuối tháng trước cũng có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những băn khoăn về sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội.
Đúng lúc lạm phát tăng cao, đời sống của đa số người dân gặp vô vàn khó khăn, thú chơi xe siêu sang lại gia tăng. Những cuộc diễu hành ấy cho dù được gắn với các hoạt động tốt đẹp vì cộng đồng chứ không phải là khoe của, vẫn khiến nhiều người suy nghĩ.
Theo Tổng cục Thống kê, mức chênh lệch giàu – nghèo hiện nay ở nước ta là hơn 9 lần. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận rằng hiện nay người thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế thu nhập cao thì sẽ thấy sự chênh lệch rõ hơn. Những người được coi là có thu nhập cao phải làm việc hàng trăm năm không ăn tiêu gì mới mua được một chiếc xe siêu sang. Còn đa số người dân thì mơ ước mua được một chiếc xe máy tốt hay một chiếc ôtô hạng phổ thông cũng đã quá xa vời.
Khoe mẽ và kiêu hãnh là hai thái độ khác hẳn nhau. Kiêu hãnh xuất phát từ chính mình để tiếp tục vươn lên, thể hiện khao khát hoàn thiện bản thân. Còn khoe mẽ thường lấy động lực từ bên ngoài, nhiều khi dẫn tới cảm giác và nhận thức ảo.
Sự lầm lẫn thái độ trên cũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn như thu nhập bình quân của người Việt Nam không cao hơn Thái Lan, nhưng lương cầu thủ bóng đá lại cao hơn gấp 5, gấp 10 lần. Sự đua nhau như vậy còn được môi giới thổi lên tạo ra thị trường ảo. Lợi trước mắt chưa thấy đâu thì đã rõ cái hại lâu dài.
Ngay cả nhu cầu tâm linh cũng bị rơi vào tình trạng này. Thói phóng đại, tô vẽ, khoa trương của nhiều người biến hoạt động đầy ý nghĩa thành trò mua bán đổi chác để kiếm lợi. Có thể lấy ví dụ điển hình xảy ra gần đây ở đền Trần, và còn nhiều ví dụ khác nữa.
Các cụ đã dạy rằng, chỉ cần làm tốt và không khoe khoang, thì đó là cách tốt nhất để tạo ra những quan hệ, những giá trị đáng tin cậy và trung thực giữa người với người, giữa mỗi người với cộng đồng. Mong đến một ngày nào đó, những giá trị ảo mất đi để cuộc sống vật chất và tinh thần trở về đúng giá trị đích thực của nó./.