Khôi phục niềm tin vào kinh tế nhà nước
Sau kết luận của Bộ Chính trị về vụ việc Vinashin, hôm qua (14/8) Ban chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu đã làm việc với các đơn vị thành viên của Vinashin. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong yêu cầu đưa Vinashin trở lại quỹ đạo phát triển…
Trong thời gian vừa qua, một trong những chủ đề khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là chuyện kinh doanh thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Sự kiện Bộ Chính trị đưa ra kết luận về vụ việc đồng thời chỉ đạo rõ phương hướng cơ cấu lại tập đoàn này vào cuối tháng 7 vừa qua, không chỉ cho thấy tầm quan trọng của yêu cầu phải đưa Vinashin trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh, mà suy rộng hơn đó còn là vấn đề khôi phục niềm tin về vai trò và vị thế của các doanh nghiệp nhà nước nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung trong nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm việc với các đơn vị thành viên của Vinashin ngày hôm qua 14/8 |
Sau kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập ngay Ban chỉ đạo tái cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu. Và ngày hôm qua (14/8), Phó Thủ tướng đã liên tục làm việc với các đơn vị thành viên của Vinashin, cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng để tìm hướng tháo gỡ.
Những sự kiện dồn dập xảy ra với Vinashin, cho dù là tất yếu, nhưng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của cán bộ công nhân viên trong ngành và làm xao động cả xã hội. Cùng từ sự cố này, trong xã hội đã xuất hiện những hoài nghi về vai trò, vị trí, hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế. Đó là điều có thể giải thích được và cần phải giải quyết.
Sự can thiệp kịp thời của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ đã cho thấy: Nếu không có một quyết tâm chính trị rất cao và những biện pháp mạnh mang tính cấp cứu thì tập đoàn này khó và trụ vững được. Kéo theo đó là việc làm của hàng chục ngàn nhân công và miếng cơm, manh áo của gia đình họ. Với quyết tâm như vậy, cộng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan, niềm tin vào việc tái cấu trúc thành công Tập đoàn Vinashin và đưa nó về quĩ đạo phát triển lành mạnh trở lại. Dù vậy, công việc sửa chữa, khắc phục hậu quả sai lầm chủ quan của tập đoàn này còn rất bộn bề, phức tạp.
Một góc nhà máy đóng tàu Hạ Long - Quảng Ninh |
Cũng cần phải khẳng định, không chỉ từ sự cố Vinashin, mà trước đó các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy nhiều “vấn đề” trong tổ chức và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Sau một thời gian phát triển quá “nóng”, sang đến năm 2008, khi nền kinh tế rơi vào khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, những yếu kém, lệch lạc trong hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lộ rõ.
Bởi vậy, đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đó, Chính phủ quyết tâm “sắp xếp các tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi, đồng thời làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc để tổng công ty thua lỗ và xử lý theo quy định.
Và trong tháng 7 vừa qua, sau kết luận về Vinashin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu Đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo công tác tự kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, mô hình tổ chức hoạt động từ 1/1/2006 đến nay; kết quả thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý… để báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương (trước 31/8 này), phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Như vậy, quá trình xem xét, đánh giá, chấn chỉnh hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang được triển khai một cách rốt ráo, với quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Công việc này vừa mang tính cấp thiết, lại vừa có ý nghĩa lâu dài.
Cấp thiết vì làm càng sớm, càng quyết liệt sẽ góp phần hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra, khôi phục được niềm tin của nhân dân, giúp các đơn vị này phát triển một cách lành mạnh, để có đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Lâu dài là vì công việc này sẽ góp phần tổng kết lại quá trình thực thi chính sách phát triển khu vực kinh tế Nhà nước nói chung và các doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Qua đó, góp phần định vị lại vai trò, vị trí của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong kinh tế Nhà nước và trong nền kinh tế quốc dân trong giai đoạn sắp tới.
Đây rõ ràng là một nội dung rất quan trọng trong Đại hội XI của Đảng./.