Không ai muốn nghe Thứ trưởng, Bộ trưởng nói lời xin lỗi!
VOV.VN -Mỗi khi có quan chức, Bộ trưởng hay Thứ trưởng phải nói lời xin lỗi thì hậu quả họ gây ra là vô cùng lớn.
Thời gian gần đây, việc những nhà quản lý, lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương… khi có sai phạm, thiếu sót gì thường lên tiếng xin lỗi ngay. Đây là một nét văn hóa đáng mừng.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ VHTT và DL đã phải xin lỗi người dân vì ban hành văn bản không đúng. |
Sau mỗi lời xin lỗi, có thể quan chức mắc lỗi phải gánh chịu một phần trách nhiệm, thế nhưng việc làm trước đó của họ gây hậu quả khôn lường mà người dân phải gánh chịu. Điều quan trọng hơn nữa, những việc làm đó gây mất niềm tin của dân với hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước.
Ví dụ, sự cố Formosa, nếu có một lời xin lỗi được cất lên thì cũng không thể bù đắp được cho những hậu quả họ đã gây ra, cho những thiệt thòi mà người dân phải gánh chịu.
Hay việc đổi mới trong giáo dục suốt một thời gian dài có nhiều điểm bất hợp lý đã gây không ít bức xúc trong xã hội. Một chủ trương chưa chuẩn xác trong ngành giáo dục sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu con người, biết bao nhiêu thế hệ phải gánh chịu. Vậy nên, ai cũng mong muốn, bất kỳ một cải cách, đổi mới nào của ngành giáo dục cũng cần phải được nghiên cứu một cách khoa học, kỹ càng.
Trước kia, đã từng xảy ra nhiều việc “tày trời” nhưng dư luận chờ mãi chẳng có quan chức nào lên tiếng xin lỗi. Còn bây giờ, lời xin lỗi có vẻ được nói ra quá dễ dàng, họ nhận lỗi thật nhanh "cho êm chuyện".
Lời xin lỗi của Bộ trưởng, thứ trưởng, của lãnh đạo địa phương… có thể tức thời xoa dịu cơn phẫn nộ của dư luận nhưng nó không thể là bình phong để các sai lầm quản lý cứ trượt dài. Dân không muốn nghe quan chức xin lỗi và mong đừng bao giờ để xảy ra những tình huống phải xin lỗi.
Lời xin lỗi không đơn giản chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện trình độ quản lý, xử lý công việc của mỗi vị được giao trọng trách trong lĩnh vực, ngành đó. Chỉ khi trách nhiệm được nâng cao và thượng tôn pháp luật, công khai minh bạch việc xử lý sai phạm sau khi xin lỗi... thì mới không còn tình trạng nói lời xin lỗi “nhẹ như lông hồng”. Xin đừng để “xin lỗi” trở thành câu cửa miệng để bao biện cho những sai lầm, sai sót trong quản lý./.
Vì sao Thứ trưởng Bộ VHTT&DL lại dễ dàng ký 1 văn bản như vậy?