Không cho phép lợi dụng Internet vì những mưu đồ thâm độc
(VOV) - Thời gian qua, đã có không ít người núp dưới vỏ bọc của các trang web cá nhân để tuyên truyền các luận điệu phản động, xuyên tạc
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước trên một số trang thông tin điện tử. Theo đó, các trang mạng này đã đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Sau những sự kiện “nóng” về tôn giáo không còn ồn ào như trước, một số trang thông tin điện tử và blog cá nhân dường như không còn đất diễn để lu loa rằng: Việt Nam vi phạm tự do nhân quyền, tự do tôn giáo và kêu gọi xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC). Gần đây, lợi dụng tình hình biển Đông hay các vụ cưỡng chế đất đai, họ không tiếc lời cổ súy cho những cuộc biểu tình “nhân danh lòng yêu nước”. Kể cả thủ đoạn tung tin thất thiệt nhằm gây hoang mang dư luận, họ cũng sẵn sàng làm.
ảnh mang tính minh họa |
Thực tế thời gian qua, đã có không ít người núp dưới vỏ bọc của các trang web cá nhân để tuyên truyền các luận điệu phản động, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền các giá trị tự do dân chủ theo kiểu phương Tây, thậm chí bôi nhọ các cá nhân khác…
Rõ ràng, trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nói chung và Internet nói riêng, người đọc một mặt được thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận thông tin nhưng họ cũng bị nhiễu bởi rất nhiều thông tin không được kiểm chứng. Trong cuộc giao lưu trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, những thông tin tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc kiểu như vậy cần được kiểm soát chặt chẽ và có chế tài cụ thể.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nêu rõ: “Đây là hành vi mà không chỉ luật báo chí mà cả những luật khác phải có chế tài vì nó vi phạm đến nhân phẩm, quyền tự do của người khác, uy tín cá nhân. Về phía cơ quan quản lý truyền thông, chúng tôi đã và đang soạn thảo một dự thảo thay đổi Nghị định 97 quản lý hoạt động trên Internet, trong đó có quản lý game online và quản lý blog để chúng ta có chế tài, làm sao vừa tạo điều kiện tự do cho mọi người, đồng thời cũng để hạn chế những hành vi lợi dụng để xâm phạm tự do cá nhân, vi phạm pháp luật”.
Có mặt tại Việt Nam từ cuối thập kỷ 90 đến nay, hơn 35% dân số Việt Nam đã sử dụng internet. Đây là một chỉ số cao ở Đông Nam Á và châu Á. Internet vào từng gia đình, có mặt ở nhiều bản làng xa xôi. Cùng với số người sử dụng Interrnet không ngừng tăng lên là sự xuất hiện của hàng trăm báo điện tử, hàng nghìn trang điện tử của các tổ chức ngành, đoàn thể, các địa phương, cùng hàng triệu blog cá nhân...
Phát triển đi đôi với quản lý, đó là hành động cần thiết không chỉ đối với Việt Nam mà đối với bất cứ quốc gia có chủ quyền nào. Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn ngừa các hành vi lợi dụng tự do báo chí để chống đối Nhà nước, truyền tải những nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, thậm chí là vi phạm các lợi ích hoặc tác động tiêu cực đến cộng đồng...
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, cùng với việc ngăn ngừa các thông tin xấu, Việt Nam cũng sẽ phát triển các mạng xã hội của mình để có sức thu hút công chúng và trở thành địa chỉ tin cậy. Và đặc biệt, cần có một cơ chế cung cấp thông tin thật nhanh và chính xác cho báo chí trong nước. Ông Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ: “Vấn đề là, các phương tiện truyền thông trong nước, trong đó có báo điện tử chúng ta phải đưa thông tin thật nhanh, thật nhạy, thật hấp dẫn, bổ ích để lôi kéo bạn đọc trong nước. Khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì họ cũng không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có một cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí nhanh hơn, nhạy hơn và đầy đủ hơn. Chúng ta cần phải nhanh chóng nói đúng bản chất sự việc, nói có tính định hướng để công chúng hiểu”.
Một loạt sự kiện diễn ra ở Trung Đông, Bắc Phi thời gian qua đã làm lộ mặt những kẻ lợi dụng Internet. Không ai khác, những người thường rêu rao, vu cáo nước này, nước kia "vi phạm tự do báo chí", "ngăn chặn, kiểm duyệt intemet”... đã sử dụng hết công suất hệ thống báo chí hùng hậu của họ cùng các mạng xã hội như Facebook, các mạng Twister, các mạng Wikileaks, You Tube... để “vẽ lối, bày đường" cho công chúng, nhất là bộ phận quá khích, gây bạo loạn, lật đổ chính quyền.
Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam kiên quyết không để bất cứ phần tử nào lợi dụng Internet cho những mưu đồ thâm độc./.