Không để bão giết người

Tình trạng cứ bão lũ, xảy ra là lại có người chết và mất tích quá nhiều là một thực tế đau lòng nhưng rất khó chấp nhận….

Theo Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống lụt bão, bão số 2 đã làm khoảng 30 người bị chết và mất tích; trong đó số người chết đã lên đến 16. Đó là chưa kể đến những thiệt hại rất lớn về nhà cửa, tài sản và hoa màu.

Đây không phải là một cơn bão lớn nhưng con số người chết lại khá cao. Điều bất bình thường là số người chết do sét đánh lên đến 12 người. Thiệt hại không bình thường nữa là trận lốc xoáy ở Hải Phòng (khiến 2 người chết) là một hiện tượng hiếm khi xảy ra ở Việt Nam. Điều bất thường nữa là, mặc dù đã cảnh báo trước nhưng số người chết do lũ ống, lũ quét ở Yên Bái, nơi bão không trực tiếp đổ bộ vào vẫn xảy ra.

Thực tế nói trên cho thấy, bão lũ là hiện tượng bình thường hàng năm nhưng lại luôn diễn biến thất thường và gây ra những thiệt hại khó lường.

Mới  bắt đầu vào mùa mưa bão, là một đất nước luôn luôn có giông bão, kinh nghiệm ứng phó với thiên tai đã trở thành một phần bản năng sinh tồn của dân tộc, thì thực tế cứ có bão, lũ là có nhiều người chết, là một thực tế khó chấp nhận.

Chúng ta có thể tránh được những cái chết đau lòng như vừa qua hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Lý do là vì cơn bão này đã có dự báo và cảnh báo từ khá sớm. Ai cũng biết những hiểm họa khó lường từ giông, lốc, sấm sét, với những bài học vỡ lòng về cách phòng tránh. Nếu cẩn trọng hơn, có lẽ sẽ không có quá nhiều cái chết vô lý và thương tâm như vậy.

Chúng ta còn cả mùa mưa bão dài, phức tạp và khó lường trước mắt. Để không phải chứng kiến quá nhiều đau khổ và mất mát do thiên tai gây ra, cần nhất là thái độ cẩn trọng và trách nhiệm.

Không thể vì bão lũ, liên tiếp xảy ra, năm nào cũng vậy, các biện pháp chuẩn bị đối phó, các văn bản chỉ đạo, các thông tin lặp đi lặp lại liên tục mà  xem thường, thờ ơ. Mỗi người dân, từng cơ quan, cán bộ có trách nhiệm từ Trung ương đến cơ sở phải hết sức chú ý diễn biến của tình hình, thông tin kịp thời cho nhau, chuẩn bị cẩn thận, chu đáo để có thể ứng phó kịp thời.

Điều quan trọng nhất với bà con vùng thường xảy ra thiên tai là chủ động tìm mọi cách hợp tác với chính quyền, cộng đồng để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình. Các cơ quan chức năng, bên cạnh công tác thông tin, chỉ đạo kịp thời, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, phải không ngừng kiểm tra, đôn đốc giám sát, hỗ trợ kịp thời thường dân, loại bỏ triệt để tệ “chống bão bằng miệng”, chỉ “phát” mà không “động”.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, thiệt hại lớn về người thường xảy ra không phải trong lúc bão đến, mà là hậu quả của hoàn lưu bão, của những cơn mưa, lũ đến sau bão, thậm chí là ở những vùng không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.

Hàng chục triệu dân sống ở những địa thế dốc, ven sông, suối thuộc miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… luôn cần được đặt trong tình huống báo động cao khi có mưa, bão. Do rừng đã mất quá nhiều (hiện tại diện tích rừng bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng khoảng ¼  mức bình quân của khu vực Đông Nam Á) nên mưa đến (dù không lớn) có thể tạo lũ ống và lũ quét rất nhanh, hung dữ và bất ngờ. Đó còn là chưa kể đến nguy cơ sạt núi, lở đất cũng cao hơn trước đây do mất quá nhiều rừng.

Một đất nước thuộc diện chật chội nhất thế giới, lại chưa giàu, để quy hoạch lại dân cư ở những vùng nguy cơ cao không phải là việc dễ dàng. Điều mà mỗi người dân ở những khu vực nói trên có thể làm được ngay là cẩn trọng. Cẩn trọng trong quan sát, nắm bắt thông tin và tình hình thực địa. Cẩn trọng tìm nơi trú ẩn an toàn ngay khi phát hiện những hiện tường thời tiết bất thường.

Và cuối cùng, sau mỗi trận bão, mỗi đợt mưa lũ lớn, mỗi sinh mạng con người bị thiên tai cướp đi, cần có sự phân tích đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm. Tuy không cứu được những người đã mất nhưng làm vậy là cách tốt nhất để nâng cao cảnh giác, kinh nghiệm và trách nhiệm, có thể tránh được những cái chết không đáng khác sau này.

Thiên tai vốn hung dữ khó lường, tuy vậy, chúng ta có thể chấp nhận thất bát về tài sản, hoa màu, nhưng không thể chấp nhận mất mát quá nhiều nhân mạng do sự bất cẩn của chính mình.

Cần phải hành động để xóa bỏ thực tế đau lòng là: sau mỗi trận bão chúng ta lại phải đếm số người chết và mất tích. Nói cách khác, cần phải hành động để bão, lũ không thể là những kẻ giết người đương nhiên được./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên