Không để lương tâm xã hội bị đe doạ

Hành động dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm và tiêu cực của các “hiệp sĩ” rất đáng trân trọng và cần thiết cho xã hội ta

Trong tháng 6 này, dư luận xã hội đặc biệt xôn xao về hai vụ việc những người tích cực tham gia chống tham nhũng, tiêu cực, chống tội phạm bị hành hung, trả thù dã man. Một vụ vừa xảy ra ở thị xã Dĩ An, Bình Dương, một vụ xảy ra tại Nghệ An hồi đầu tháng. Thực tế này đặt ra một câu hỏi nhức nhối là làm sao bảo vệ được những người tốt, có dũng khí đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, mang lại sự bình yên và trong lành cho xã hội.

Người vừa bị hành hung vào sáng 27/6 là anh Nguyễn Tăng Tiên, một  thành viên của câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Anh đã bị 4 người bịt mặt truy sát, gây thương tích nặng. Rất may, do được đưa đi cấp cứu kịp thời hiện nay anh Tiên đã qua cơn nguy kịch. Công an thị xã Dĩ An đã khởi tố vụ án, tạm giữ một số nghi phạm để điều tra.

Trước đó, vào chiều ngày 5/6, tại xóm 3, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Một nhóm côn đồ khoảng 10 người đã dùng súng, kiếm, gậy gộc hành hung, gây thương tích nặng cho anh Trần Văn Giáp và anh Trần Văn Phong. Trong đó, anh Trần Văn Giáp là một trong 18 người được tỉnh Nghệ An biểu dương vì có thành tích chống tham nhũng tại một hội nghị toàn tỉnh hồi đầu năm nay.

Anh Tiên, anh Giáp và những người tích cực tham gia phòng chống tội phạm, tham nhũng thường được xã hội yêu mến gọi là các “hiệp sĩ” vì những hành động dũng cảm đấu tranh trực diện, không khoan nhượng với tội phạm và tiêu cực, góp phần mang lại sự bình yên cho cuộc sống. 

Trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm gia tăng, nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi, nhiều người chọn thái độ sống theo kiểu thu mình lại, “mũ ni che tai”, né tránh, bàng quan trước cái xấu và cái ác, thì hành động cao đẹp của những “hiệp sĩ” này là rất đáng trân trọng và cần thiết cho xã hội ta.

Bất chấp hiểm nguy cho tính mạng và sự an toàn của người thân, gia đình mình, họ trực tiếp trấn áp tội phạm, diệt trừ cái xấu, bảo vệ những người dân lương thiện. Họ trấn an nỗi sợ hãi và bất an đang tồn tại trong nhiều người, thức tỉnh và cổ vũ tinh thần tranh đấu bảo vệ những giá trị tốt đẹp của xã hội. Hành vi của họ mang lại niềm tin rằng đang có rất nhiều người tốt và những điều tốt đẹp. Nếu cái tốt, cái thiện được tập hợp lại, nhân rộng để tăng thêm sức mạnh thì sự nghiệp đổi mới và bảo vệ Tổ quốc sẽ thành công.

Vì thế, khi những người tiên phong trong cuộc chiến chống lại cái xấu và cái ác bị tội phạm ngang nhiên hành hung thì đó là một sự thách thức và đe dọa đối với lương tâm của xã hội. Mục đích của tội phạm khi tấn công vào họ là nhằm làm suy yếu tinh thần đấu tranh của xã hội, làm cho mọi người phải sợ hãi, e ngại hoặc không còn muốn tham gia cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật trấn áp tội phạm.

Chính bởi vậy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra tìm ra hết các hung thủ đã hành hung anh Nguyễn Tăng Tiên và anh Trần Văn Giáp, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Đấy chính là thông điệp đanh thép nhất gửi tới những kẻ dám thách thức pháp luật, thách thức quyết tâm đấu tranh vì sự trong sạch và bình an của xã hội ta.

Đó cũng là thông điệp thuyết phục nhất cho thấy những người tốt, có hành động dũng cảm, nghĩa hiệp luôn được nhà nước và xã hội trân trọng, bảo vệ đến cùng. Đó cũng là một cách để nhân lên điều thiện, đẩy lùi cái xấu và cái ác.

Điều quan trọng hơn là phải thể chế hóa bằng pháp luật các biện pháp bảo vệ hiệu quả những người dám dũng cảm chống tội phạm, chống tham nhũng, tiêu cực. Cơ chế này phải được thể hiện cả trên văn bản qui định, cả trên hoạt động thực tiễn của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an và cả hệ thống chính trị. 

Khi thực sự bảo vệ được những người quả cảm đi đầu là xã hội ta đã tiến được một bước dài đến những chuẩn mực và môi trường sống tốt đẹp hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên