Không để tạo tiền lệ xấu
Vedan xả nước thải gây ô nhiễm ra sông hàng chục năm sau mới bị phát hiện, để rồi sau đó ầm ĩ chuyện xử phạt, đền bù. Qua đây, chúng ta cần nhìn lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý môi trường.
Vụ việc nông dân 3 địa phương yêu cầu công ty Vedan bồi thường thiệt hại đang ở giai đoạn hoàn tất thủ tục khởi kiện. Điều đó cho thấy, việc phát hiện, ngăn chặn sớm những hành vi gây ô nhiễm môi trường là hết sức cần thiết.
Gần hai năm nay, kể từ khi cơ quan chức năng phát hiện Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, thì việc bồi thường thiệt hại cho nông dân trong vùng bị ảnh hưởng vẫn chưa đến hồi kết.
Báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực; các cơ quan chức năng đã mất rất nhiều thời gian, công sức và ngay cả Vedan cũng bị ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh cũng như thương hiệu của mình.
Còn với nông dân vùng bị ảnh hưởng của nước thải, họ vẫn đang ngóng chờ việc giải quyết đền bù một phần thiệt hại, sao cho thấu tình đạt lý.
Qua vụ việc này, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và tự đặt câu hỏi: Vì sao một doanh nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm ra sông hàng chục năm sau mới bị phát hiện, để rồi ầm ĩ chuyện xử phạt, đền bù?
Bọt ô nhiễm trắng xoá sông Thị Vải |
Thực tế những năm qua, nhiều doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận mà không chú trọng bảo vệ môi trường vì mua sắm và vận hành một dây chuyền công nghệ xử lý nước thải phải chi phí lớn. Nếu chẳng may bị phát hiện, thì mức xử phạt không đáng kể so với mức chi xử lý nước thải. Đó là lý do vì sao, từ cuối năm 2009, dù mức phạt tăng tới hơn 7 lần (từ 70 triệu lên 500 triệu đồng/hành vi vi phạm) nhưng vẫn có hàng chục vụ vi phạm bị phát hiện tương tự như Vedan.
Sáu tháng đầu năm nay, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phát hiện 3.600 vụ vi phạm môi trường với số tiền phạt lên trên 30 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2009, trong đó số vụ xả thải và khí thải chiếm trên 90%. Riêng tỉnh Bình Dương có 76 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, với 23 doanh nghiệp xả nước thải ra kênh Ba Bò; các địa phương khác cũng phát hiện hàng chục doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, sông Trà Khúc khiến nguồn nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Như vậy, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đang ở mức độ báo động. Phải chăng, chúng ta chưa mạnh tay xử lý? Điều này đúng, bởi đến nay chưa cá nhân nào bị khởi tố vì hành vi gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ luật Hình sự nên chưa đủ sức răn đe. Nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nhưng số cơ sở bị cấm, bị tạm đình chỉ hoạt động; hoặc buộc di dời địa điểm còn rất ít. Một trong những nguyên nhân là có sự nể nang, sợ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, đến công ăn việc làm của người lao động và ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương. Vậy nên nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm vẫn tồn tại, vẫn lén lút hoặc công khai xả thải vào môi trường như một việc làm bình thường.
Sông Thị Vải nổi váng dày đặc |
Trong khi đó, theo ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường, đến nay hệ thống các quy định về bảo vệ môi trường khá hoàn thiện, nhưng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công tác thanh tra các cấp còn hạn chế. Một điều đáng quan tâm nữa là, theo quy định hiện hành, trước khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra đều phải thông báo trước cho cơ sở bị thanh tra, kiểm tra đã làm hạn chế hiệu quả của hoạt động thanh tra trong lĩnh vực môi trường.
Thu hút đầu tư và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất là cần thiết. Nhưng thu hút thế nào, cấp phép cho doanh nghiệp nào? Và khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động thì công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đó ra sao mới là điều đáng bàn? Đừng để dân kêu, báo chí lên tiếng thì cơ quan chức năng mới biết như đã từng xảy ra ở không ít địa phương thời gian qua.
Cách đây chưa lâu, thành phố Đà Nẵng đã thẳng thắn từ chối cấp phép đầu tư cho một dự án xây dựng nhà máy sản xuất thép và sản xuất bột giấy trị giá 2,5 tỷ USD, do không đảm bảo yêu cầu về môi trường. Đã có nhiều dự án với số vốn đăng ký đầu tư lớn cũng đã phải dừng lại hoặc chuyển địa điểm vì có nguy cơ gây ô nhiễm. Đó là việc làm cần thiết, vì không thể đánh đổi thành tích thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
Bài học từ vụ Vedan vẫn còn đó. Điều quan trọng là lãnh đạo các cơ quan chức năng, các đia phương cần có sự quyết đoán, ngăn chặn khả năng gây ô nhiễm môi trường từ khi còn trứng nước. Không để tạo tiền lệ xấu - một Vedan thứ hai. Đó cũng là yêu cầu của cuộc sống hôm nay và ngày mai./.