Không được đùa với lửa

Hầu hết tai nạn cháy nổ xảy ra đều có nguyên nhân từ con người, khi chúng ta còn chủ quan, tắc trách, tùy tiện.

Gần đây, trong cả nước thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ cháy nổ với quy mô khác nhau nhưng mức độ thiệt hại đều kinh hoàng, tang thương. Lý do thì nhiều, song vụ nào cũng có nguyên nhân chủ quan.

Vụ cháy cửa hàng gas mới nhất xảy ra ở Từ Liêm – Hà Nội do sang chiết trái phép cho thấy, với diện tích nhỏ hẹp như vậy mà chủ cửa hàng dám chứa chất hàng trăm bình gas thì quả là “điếc không sợ súng”. Vụ cháy lớn hơn xảy ra ở Khu công nghiệp Quế Võ – Bắc Ninh, thiêu trụi toàn bộ xưởng sản xuất nhựa và khu văn phòng Công ty Dragon Jet cũng có nguyên nhân do chủ quan, không coi trọng việc phòng cháy chữa cháy, nhất là vào mùa khô hanh như hiện nay.

Hay nhỏ thôi như vụ cháy xe máy SH trên đường Hà Nội xảy ra hôm 12/12, qua phân tích đã thấy nguyên nhân do chủ xe không đóng nắp bình xăng đúng quy định an toàn. Rõ ràng, hầu hết tai nạn cháy nổ xảy ra đều có nguyên nhân từ con người. Chúng ta còn chủ quan, đôi khi tắc trách, tùy tiện.

Hơn 50 vỏ bình gas bị cháy đen của cửa hàng gas Phú Vinh, Từ Liêm, Hà Nội trong vụ cháy ngày 11/12, khiến 2 người chết

Nhìn nhận vấn đề rộng hơn có thể nói không quá lời rằng, nhiều khi chúng ta cứ thích đùa với lửa!?

Nếu không tin, xin mời các bạn đến các cây xăng mà xem. Có nơi xtéc xăng dầu để phơi ngoài trời, ngay sát quán bia đông nghẹt người ăn nhậu hút thuốc. Nhiều người cứ để xe nổ máy phóng vào sát cây xăng, vẫn nói chuyện điện thoại đi động.

Hay là mời mọi người đến các khu chung cư, xem mấy nơi có được bể nước riêng cho phòng cháy chữa cháy. Hầu hết hộp chứa đồ cứu hỏa trống hơ trống hoác, hệ thống báo cháy tự động thì đã bị ngắt. Hầm để xe với hàng trăm ôtô, xe máy các loại, nhưng vào một lối ra một lối đều hẹp như nhau. Nếu xảy ra cháy thì hầm bom xăng ấy có thể nổ dữ dội, ảnh hưởng đến kết cấu toà nhà và tính mạng của dân cư.

Dù viện ra lý do nào đi nữa, thì chúng ta cũng phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và điều chỉnh thái độ, không lúc nào được chủ quan coi thường tai nạn cháy nổ. Theo thống kê, mỗi năm cả nước xảy ra trên dưới 2.000 vụ cháy nổ lớn nhỏ khác nhau. Già nửa số vụ này xảy ra do sơ xuất trong sử dụng điện, lửa, xăng dầu và khí đốt. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Hàng trăm người thiệt mạng hoặc bị thương tật suốt đời.

Không ai muốn, nhưng khi đã xảy ra cháy nổ rồi thì không còn cứu vãn được nữa. Bởi thiệt hại về vật chất có thể đong đếm, nhưng thiệt hại về con người thì làm sao tính toán nổi. Ðã có nhiều bài học từ thái độ thích đùa với lửa, nhưng nhiều người vẫn chủ quan, mất cảnh giác.

Một bộ phận người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, hoặc có quan tâm nhưng lâu không thấy xảy ra thì lại sao nhãng.

Phòng cháy hơn chữa cháy, nhưng phải làm sao để không xảy ra cháy nổ mà vẫn không ngừng phòng ngừa. Muốn được như vậy, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về phòng chống cháy nổ, nhất là về quản lý vật liệu nổ công nghiệp, khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy; đặc biệt coi trọng đối với những địa phương có kinh tế phát triển như TP HCM, Ðà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Ðồng Nai...

Cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, giám sát việc phòng chống cháy nổ ở các khu chung cư cao tầng. Đối với các tòa nhà chuẩn bị xây dựng thì phải làm ngay việc này từ khâu thiết kế và giám sát thi công, để không bị cắt xén. Đối với các tòa nhà đã đưa vào sử dụng cần kiểm tra định kỳ việc bảo trì các các hạng mục phòng cháy chữa cháy theo quy chuẩn.

Các cơ quan, đơn vị, các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư cần tăng cường tuyên truyền và tổ chức tự kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ, xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng phòng chống tại chỗ; trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện và dập tắt lửa ngay từ đầu, có phương án thoát nạn cho người và tài sản.

Ðối với từng hộ gia đình, cần có kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ. Mọi thành viên nhắc nhở nhau cẩn trọng khi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, chú ý tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà, thường xuyên kiểm tra độ an toàn của đường dây và các thiết bị điện, của bếp gas, cũng như đường dẫn xăng, điện của xe máy, ôtô...

Để phòng chống cháy nổ có hiệu quả, mọi người chúng ta cần thường trực trong đầu suy nghĩ “Không được đùa với lửa”, đồng thời có hành động hữu hiệu để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh, biến nó thành thói quen càng thường xuyên càng tốt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên