Việt Nam trong tuần:

Kiên quyết phản đối hành động sai trái của Trung Quốc

VOV.VN - Hành động sai trái của Trung Quốc  vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam

Trung Quốc đưa giàn khoan đã xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam

Một sự kiện được nhiều người quan tâm nhất trong tuần qua là việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan đã xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 cắm xuống vùng biển Việt Nam đang gây sự phẫn nộ không chỉ đối với người dân trong nước mà với dư luận quốc tế. Đây là việc làm sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan Hải Dương -981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối.

ASEAN ra Tuyên bố lịch sử về biển Đông

Các ngoại trưởng ASEAN ngày 10/5 đã họp 3 cuộc quan trọng gồm họp Ngoại trưởng (AMM), Hội đồng cộng đồng chính trị - an ninh và Hội đồng điều phối trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24. Hình ảnh truyền trực tiếp về trung tâm báo chí hội nghị cho thấy các cuộc họp khá căng thẳng và kéo dài hơn dự kiến. Kết quả: “Các bộ trưởng đã nhất trí ra một tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình biển Đông hiện nay với 4 điểm rất quan trọng”. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, AMM ra tuyên bố riêng về một vấn đề cụ thể nóng.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra ngày 10/5 tại Myanmar. (ảnh: Tuổi trẻ)

Trong bản “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình biển Đông hiện nay”, các ngoại trưởng “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực”.

Tuyên bố “yêu cầu các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Đây cũng chính là những nguyên tắc trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN năm 2002.

Tuy nhiên, bất chấp những cam kết, Trung Quốc ngày 2/5 đã ngang ngược đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương-981 đặt vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chưa hết, tàu bè hộ tống giàn khoan của Trung Quốc, dưới sự yểm trợ của máy bay, còn chủ động tấn công gây thương tích và hư hại phương tiện thi hành nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam. Nhiều chính khách và học giả thế giới đã lên tiếng gọi những hành động đó của Trung Quốc là “hung hăng”, “khiêu khích” và “trái ngược với tinh thần và lời văn DOC”.

Vì vậy, Tuyên bố “đồng thời kêu gọi các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ” các nguyên tắc của văn kiện này. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC).

Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 24

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein, ngày 10/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn Đại biểu Việt Nam đã đến Myanmar dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. 

 Với chủ đề “Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng”, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 khai mạc vào sáng 11/5 với các Phiên họp toàn thể, Phiên họp hẹp, Phiên họp giữa lãnh đạo cấp cao ASEAN với Đại diện Đại hội đồng Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên và Xã hội dân sự và Phiên bế mạc.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới Myanmar để tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. 


Hội nghị tập trung bàn về tình hình triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển của Cộng đồng sau năm 2015 cũng như quan hệ đối ngoại của Cộng đồng ASEAN. 

Hào hùng lễ diễu binh kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ


Trong tuần, Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã chính thức diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Tại đây, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có bài diễn văn nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ, ca ngợi công lao to lớn của toàn quân và dân ta trong trận đánh mang tính bản lề, thay đổi cục diện chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng, đánh đuổi thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.


Sau phần biểu diễn nghệ thuật là lễ diễu binh. 15.000 người chia thành 27 khối đứng, 37 khối ngồi đại diện cho các lực lượng lục quân, hải quân, phòng không - không quân, bộ đội biên phòng, đặc công, thông tin, cảnh sát biển, cựu chiến binh, công nông dân... đã đi qua lễ đài và sau đó Đoàn diễu binh, diễu hành đi từ sân vận động dọc theo con đường đẹp nhất Điện Biên mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, Quảng trường 7/5 và trở về tập kết tại nhà thi đấu tỉnh Điện Biên, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ. 

Chương trình Lễ mít tinh được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, hoành tráng nhất từ trước đến nay tại Điện Biên. Thời tiết ở Điện Biên hôm nay không mưa, trời khá mát mẻ. 8.000 ghế ngồi trong sân vận động không còn chỗ trống. Bên ngoài, hàng nghìn người dân Điện Biên cũng như du khách trong và ngoài nước xếp hàng dọc hai bên đường Võ Nguyên Giáp chờ đón đoàn diễu hành.

Đại lễ Phật đản Vesak ra Tuyên bố Ninh Bình


Trong tuần qua, tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc – Vesak 2014 đã diễn ra với sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu chính thức đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng vạn Tăng ni, Phật tử Việt Nam.

 Đại lễ đã thống nhất đưa ra Tuyên bố chung Việt Nam Vesak Liên Hợp Quốc 2014 hướng tới việc Phật giáo thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, với các giải pháp cụ thể tập trung vào các vấn đề: Hồi ứng Phật giáo về hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Xây dựng hòa bình và sự hình phục hậu mâu thuẫn; Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; Phật giáo về sự phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Giáo dục Phật giáo và chương trình đào tạo đại học.


Trong Tuyên bố Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2014, các đại biểu cùng thống nhất mong muốn đẩy mạnh việc áp dụng giáo lý của Đức Phật để đạt tới mục tiêu hòa bình của thế giới, một thế giới không có sự xung đột trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia khác nhau, tất cả các nước đều biết tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng.

 Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng tin tưởng sâu sắc rằng, những ý nguyện tốt đẹp của cộng đồng quốc tế được thảo luận, thống nhất thể hiện tại “Tuyên bố chung Vesak 2014” nhất định sẽ trở thành hiện thực; qua Đại lễ này mỗi người được tiếp nhận thêm nguồn cổ vũ, động viên và sự hỗ trợ để nỗ lực, tinh tấn nhiều hơn, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Hồ sơ giảm mạnh, thí sinh không mặn mà với tuyển sinh riêng

Các Sở GD-ĐT khu vực phía Bắc vừa bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014 tới các trường. Theo thống kê, lượng hồ sơ của các tỉnh năm nay đều giảm mạnh khoảng 30 - 40%. Tuy nhiên hồ sơ khối ngành kinh tế vẫn chiếm nhiều nhất.

Cụ thểtỉnh Thanh Hóa, thống kê có 48.958 hồ sơ dự thi ĐH, CĐ), giảm 14.211 hồ sơ so với năm 2013. Trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi thì số lượng hồ sơ nộp vào đại học chiếm tới 95%.


Năm nay, thành phố Hà Nội nhận được khoảng 156.000 hồ sơ, giảm 10.000 hồ sơ so với năm 2013. Tại Hà Nội, riêng Học viện Tài chính, lượng hồ sơ mà thí sinh nộp vào đã tăng gấp hai lần so với năm 2013, với khoảng hơn 6.000 hồ sơ.

Tỉnh Nam Định, số lượng hồ sơ năm nay cũng giảm mạnh, tổng hồ sơ nhận được là hơn 37.000 bộ hồ sơ, giảm khoảng 6000 bộ so với năm trước. Lượng hồ sơ nộp nhiều nhất vẫn là trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Theo phản ánh của hầu hết các Sở GD-ĐT, việc thí sinh nộp hồ sơ vào các trường có tuyển sinh riêng hầu như rất ít với số lượng không đáng kể.

Nhiều sở GD-ĐT còn không có số liệu thống kê về số thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh riêng, nhiều Sở còn lại chỉ thống kê được một vài hồ sơ. Điển hình nhất là Sở GD-ĐT Thái Bình thống kê được khoảng 20 hồ sơ mà thí sinh thi tuyển vào trường có tuyển sinh riêng.

Thái Lan thừa nhận có hành vi thiếu lịch sự với công dân Việt Nam

Cơ quan chức năng Thái Lan vừa thừa nhận sai sót của cửa khẩu Aranyapathet, cụ thể là thái độ thiếu lịch sự của một số nhân viên cửa khẩu cũng như việc đặt bảng thông báo công dân một số nước (trong đó có Việt Nam) có thể bị thẩm vấn là phản cảm, gây dư luận xấu.

Cửa khẩu Arayaprathet (Thái Lan), nơi thực hiện một quy định mà Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam gọi là “quy định thiếu văn hóa” (Ảnh: Quỳnh Dung/Tuổi trẻ)


Sở Xuất nhập cảnh Sakaeo khẳng định sẽ yêu cầu cửa khẩu Aranyapathet nghiêm túc chấn chỉnh thái độ làm việc, gỡ bỏ ngay bản thông báo nói trên thay bằng văn bản thông báo của Bộ Nội vụ Thái Lan ngày 8/5/2000, chấm dứt ngay việc chụp ảnh khách cùng tiền mặt và cho phép khách du lịch được xuất trình thẻ tín dụng thay cho tiền mặt.

Nhà văn - nhà viết kịch Học Phi qua đời

Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi vừa qua đời vào ngày 6/5, hưởng thọ 102 tuổi.

Tác giả Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, sinh tại Tam Nông, Tiên Lữ, Hưng Yên. Từ năm 14 tuổi ông đã tham gia cách mạng và từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò vào năm 1933.

Theo Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhà Văn Việt Nam, tác giả Học Phi là hình tượng người nghệ sĩ cách mạng, là niềm tự hào của giới văn học nghệ thuật cả nước.

Nhà văn Học Phi (Ảnh: Dân trí)


Tác giả Học Phi tiêu biểu cho thấy sức mạnh kỳ lạ về năng lực cầm bút. Ngay cả khi đã tròn 100 tuổi ông vẫn khẳng định “Nếu trong phạm vi sức khỏe cho phép, còn làm được tôi cố gắng làm để đóng góp một phần nhỏ bé với ngành văn học nghệ thuật trong nước để xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, thịnh vượng”. Theo nhà văn Chu Lai, trước khi qua đời, tác giả Học Phi vẫn đang thực hiện một kịch bản phim về thời kỳ cách mạng.

Đến thời điểm cuối đời, ông đã viết được hơn 30 kịch bản sân khấu và 9 tiểu thuyết, chưa kể một vài kịch bản phim truyền hình.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quí về Văn học Nghệ thuật đợt 1; Huân chương Độc lập hạng Nhất, và Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Ông từng giữ chức làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Y án tử hình với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc

Sau gần 7 ngày nghỉ nghị án, ngày 7/5, HĐXX phiên tòa theo trình tự phúc thẩm đã tuyên án đối với 9 bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Hội đồng xét xử đã quyết định:

- Y án Tử hình Dương Chí Dũng về tội Tham ô tài sản; 18 năm tù về tội Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt: Tử hình.

-Y án tử hình đối với Mai Văn Phúc về hành vi Tham ô tài sản, 18 năm tù về hành vi Cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là tử hình.

 -Trần Hải Sơn (54 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines):  14 năm tội Tham ô tài sản; 8 năm Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt 22 năm tù cho cả hai tội danh.

-Trần Hữu Chiều (62 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines): 19 năm cho hai tội danh.

-Mai Văn Khang (56 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines): 7 năm về hành vi Cố ý làm trái.

-Lê Văn Dương (44 tuổi, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN): 7 năm tù.

-Huỳnh Hữu Đức (49 tuổi, nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa): 6 năm tù.

-Lê Văn Lừng (55 tuổi, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa): 6 năm tù.

-Lê Ngọc Triện (50 tuổi, nguyên đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa): 6 năm tù.

(Ba bị cáo cựu cán bộ hải quan được chấp nhận kháng án, giảm nhẹ một phần hình phạt tù về tội Cố ý làm trái...)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên