Kinh tế 6 tháng đầu năm 2010 – mừng và lo
Các số liệu thống kê tới điểm này cho thấy nền kinh tế đã có những dấu hiệu khả quan: tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 6%, chỉ số CPI ước tăng 4,78%...
Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của năm 2010 - năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 và Chiến lược phát triển 10 năm, giai đoạn 2001 – 2010. Các số liệu thống kê chính thức tới điểm này cho thấy nền kinh tế đã có những dấu hiệu khả quan, biểu hiện qua chỉ số quan trọng, đó là tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 6%, chỉ số giá cả hàng hóa CPI đã kìm được đà tăng tốc trong quý 2, ước tính tăng 4,78% so với tháng 12/2009. Diễn biến của kinh tế 6 tháng qua cho thấy nhiều điều mừng nhưng cũng có đó những nỗi lo cho nửa chặng đường còn lại của năm.
Có thể nói, chúng ta bước vào năm 2010 với cái thở phào, rồi đến niềm tự hào về thành quả đạt được của năm 2009, khi từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2010 tại Davos – Thụy Sĩ, Việt Nam được coi là ví dụ tiêu biểu về vượt khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bài học lớn trong điều hành kinh tế năm 2009 là sự điều hành chủ động, quyết liệt và sáng tạo của Chính phủ, đã được tiếp tục phát huy trong những tháng đầu năm 2010. Nhìn lại diễn biến 2 tháng đầu năm – với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và chỉ số CPI tăng rất cao, tới 3,35%, xấp xỉ một nửa chỉ tiêu Quốc hội cho phép trong năm nay, đã có những quan ngại nguy cơ lạm phát cao trở lại. Chính phủ liên tiếp có chỉ đạo điều hành các bộ, ngành, địa phương tập trung các giải pháp thực hiện Nghị quyết 03 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, và đến hết quý I, Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 18 về 6 giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại và đạt tốc độ kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.
Có thể thấy hiệu quả dấu ấn điều hành của Chính phủ thể hiện khá rõ, khi bước sang quý II, nhiều chỉ tiêu kinh tế đã có dấu hiệu cải thiện. Rõ nhất là từ tháng 4 đến nay, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng CPI đã được kìm lại, chỉ tăng chậm ở mức 0,14% trong tháng 4 và khoảng 0,22% trong tháng 6, nên kết quả 6 tháng, CPI ước tính tăng 4,78% so với tháng 12/2009, thấp hơn so với những dự báo bi quan khi chứng kiến tốc độ tăng chóng mặt trong 2 tháng đầu năm.
Việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn viện trợ phát triển ODA và vốn đầu tư nước ngoài FDI được cải thiện đáng kể. Nguồn vốn đầu tư tăng trở lại, tăng trưởng tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu là động lực thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Đây có thể coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, khi sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng gần 15%, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2009, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP. Và với nỗ lực điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, giá vốn của doanh nghiệp đã dần giảm xuống, với mặt bằng lãi suất cho vay đang được điều chỉnh giảm – góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, sản xuất.
Tuy nhiên, chặng đường 6 tháng cuối năm vẫn còn lắm gian nan. Cho dù đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng nền kinh tế tăng trưởng chưa bền vững. Cán cân thương mại vẫn mất cân đối, khi nhập siêu 2 tháng qua có dấu hiệu tăng tốc. Tính chung 6 tháng, nhập siêu ở mức 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% giá trị kim ngạch xuất khẩu, vượt ngưỡng 20% theo Nghị quyết của Quốc hội. Nguy cơ tăng giá cả luôn rình rập.
6 tháng cuối năm 2010 là thời gian nước rút của năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm, chúng ta đã thấy nhiều giải pháp được Chính phủ triển khai, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội như rà soát, cắt giảm 1/3 thủ tục hành chính, tiết kiệm trong đầu tư công, thúc đẩy các dự án đầu tư đúng tiến độ, tăng hiệu quả đầu tư toàn xã hội, kiểm soát thị trường tiền tệ, đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa – điểm tựa cho doanh nghiệp Việt trong năm khốn khó vừa qua.
Nhìn ra thế giới, năm 2010 này nhiều nền kinh tế chưa gượng dậy được, lại thêm ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu, ít nhiều cũng sẽ tác động tới ta: từ thị trường xuất khẩu cho tới dòng vốn đầu tư và tỉ giá ngoại tệ. Trong bối cảnh đó, rất cần sự điều hành linh hoạt, nhạy bén, kịp thời của Chính phủ và sự đồng thuận của toàn xã hội để nền kinh tế tiếp tục vượt khó khăn, có những bước tăng trưởng vững chắc./.