Kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo mới

Mọi chủ trương, chính sách hay những mục tiêu tốt đẹp đặt ra, muốn trở thành hiện thực đều phụ thuộc vào nhân tố con người, đặc biệt là những người lãnh đạo.

Trong tuần qua và cả tuần này, sự kiện thời sự chính trị quan trọng nhất thu hút sự quan tâm của công luận trong nước và nước ngoài là kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XIII. Kỳ họp này tuy ngắn (diễn ra trong khoảng nửa tháng) nhưng lại đặc biệt hệ trọng bởi nó là giai đoạn cuối cùng của quá trình hoàn thiện đội ngũ lãnh đạo cao cấp của các cơ quan Nhà nước, vốn được chuẩn bị kỹ càng và đã được đặt nền móng căn bản từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Tuần đầu tiên của kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XIII đã khép lại suôn sẻ với việc bầu thành công đội ngũ lãnh đạo mới của Quốc hội gồm 17 người. Nói là thành công vì 17 vị trúng cử vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều với số phiếu rất cao, thấp nhất cũng là trên 80%, cao nhất là trên 98%. Riêng Chủ tịch Quốc hội và 4 Phó Chủ tịch đã trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu từ trên 91% trở lên. Đại đa số trong dàn lãnh đạo Quốc hội vừa được bầu là mới nhưng đã kinh qua một quá trình công tác lâu dài, với nhiều vị trí khác nhau, nói cách khác, họ đã được thử thách và có bề dày kinh nghiệm về chuyên môn và chính trị.

Đúng như tâm sự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quốc hội khóa XIII bầu một lần đủ 500 đại biểu, trình độ cao, chất lượng tốt, đội ngũ rất sung sức, tràn đầy hy vọng. Chúng ta lại vừa bầu xong một Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đội hình cũng rất đẹp, rất vững vàng, chắc chắn sắp tới chúng ta sẽ có bước đột phá, đổi mới tốt hơn nữa.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Kết quả bầu lãnh đạo Quốc hội cho thấy công tác chuẩn bị nhân sự cấp cao đã được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, tính toán kỹ lưỡng đến yêu cầu nhiệm vụ của từng vị trí công tác, vì thế mới nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. 

Điều ấn tượng là ở ngay kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XIII đã thể hiện được bản lĩnh của mình. Quốc hội không chỉ bằng lòng với danh sách ứng viên chủ nhiệm các Ủy ban đã được chuẩn bị trước, mà đã chủ động thảo luận, đề xuất thêm một số ứng viên khác, để cuối cùng, danh sách chốt lại đưa ra bầu chính thức đã có dư một ứng cử viên. Đấy chính là biểu hiện của tinh thần dân chủ, trách nhiệm, vốn đã góp phần tạo ra bản sắc và dấu ấn của Quốc hội trong đời sống chính trị đất nước những năm gần đây.

Vì thế, theo dõi những diễn biến tại Quốc hội, cử tri cả nước thêm phần yên tâm, tin tưởng và hy vọng.

Trong tuần này, nhân dân cả nước, báo chí quốc tế sẽ tiếp tục chăm chú hướng về diễn đàn Quốc hội để chứng kiến quá trình hoàn thiện dàn lãnh đạo cấp cao, đó là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Với phong cách làm việc dân chủ, trách nhiệm như đã thấy, chúng ta có quyền hy vọng, Quốc hội sẽ chọn được người xứng đáng cho những vị trí quan trọng như vậy. Nhân dân đang theo dõi quá trình này với một niềm kỳ vọng rất lớn.

Suy cho cùng, mọi chủ trương, chính sách hay những mục tiêu tốt đẹp đặt ra, muốn trở thành hiện thực hay không, đều phụ thuộc vào nhân tố con người, đặc biệt là những người lãnh đạo.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã vạch ra những định hướng lớn cho con đường đi lên của dân tộc ta với nhiều tư tưởng đổi mới. Nhân dân kỳ vọng nước nhà sẽ có một dàn lãnh đạo có bản lĩnh, sáng tạo, trí tuệ  cao để đưa đất nước bứt phá mạnh mẽ trong 5 năm tới.

Sau chặng đầu đổi mới, giờ đây, khi bắt đầu một chặng đường mới, đất nước ta cũng đang đứng trước những thách thức và đòi hỏi có thể nói là gay gắt nhất kể từ khi đổi mới đến nay.

Đó là yêu cầu phải hoàn thiện nhanh thể chế thị trường, khắc phục những khiếm khuyết của nền kinh tế, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, nếu không muốn bị trì trệ, tụt hậu và bị những bất ổn của kinh tế toàn cầu làm tổn thương.

Đó là yêu cầu phải giải quyết những căng thẳng, bức xúc trong xã hội trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực, bạo lực, tội phạm, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Đó là yêu cầu phải bằng mọi giá bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên đất liền và trên biển, duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, giữ được độc lập, tự chủ trong các quan hệ quốc tế ngày càng đa dạng, phức tạp và luôn biến động khó lường.

Đây là những thách thức vừa trước mắt vừa lâu dài và phải hóa giải bằng được để đạt được tăng trưởng bền vững, hướng tới dân chủ - công bằng - văn minh.

Tất nhiên, những khó khăn thách thức vừa nêu là những vấn đề của một quốc gia đang ở thế đi lên, đã tạo dựng được một vị thế về kinh tế - chính trị trong nước và quốc tế vững vàng. Khi đã xác định được rõ tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt là những khiếm khuyết của mình, cũng là khi quyết tâm thúc đẩy đổi mới lớn hơn bao giờ hết.

Tương lai phát triển của đất nước là tươi sáng. Kỳ vọng của nhân dân chắc chắn sẽ được Quốc hội  trao gửi đầy đủ vào dàn lãnh đạo mới của quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên