Lại chuyện dạy thêm, học thêm
Chuyện lạm thu tiền đầu năm ở các trường học công lập chưa kịp lắng xuống thì đã bùng lên chuyện dạy thêm, học thêm. Học thêm là nhu cầu thực tế, nhưng có những biến tướng làm lệch lạc, méo mó đi hoạt động này
Dạy thêm tràn lan đến mức kể cả các môn vốn từ trước đến nay không được mấy quan tâm như giáo dục công dân, thậm chí cả thể dục, thì bây giờ cũng trở nên quan trọng. Nhiều trường mầm non công lập cũng tạo thêm thu nhập cho các cô bằng cách nhận trông ngoài giờ cho những gia đình không thể đón con đúng giờ. Mà giờ giấc ở đây do chính nhà trường qui định cứng nhắc, chứ không xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Còn từ tiểu học trở đi đã có tình trạng không dạy hết kiến thức trong giờ chính khoá. Càng lên cấp học cao tình hình càng nghiêm trọng hơn. Sự phân hoá cũng mạnh và sự biến tướng trong cách thực hiện rất đa dạng. Có những môn mà thày cô giỏi, kiến thức vững dạy thêm còn dễ hiểu. Đằng này thày cô kiến thức chuyên môn chưa vững cũng đua nhau dạy thêm, học sinh không đi học thêm là bị phân biệt đối xử. Phụ huynh bây giờ nói với nhau rằng, không cho con đi học thêm coi như chưa cho con đi học.
Tình hình vừa kể có nguyên nhân chung nhất là thu nhập trong giờ dạy chính khoá không đảm bảo đủ để các thày cô giáo trang trải cho cuộc sống của bản thân, chưa nói đến nhu cầu của cả gia đình. Giáo viên thâm niên từ 15-20 năm mới có mức lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Ở các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… đồng lương ấy không theo kịp tốc độ tăng chóng mặt của giá lương thực thực phẩm, xăng dầu, điện nước, cùng nhiều nhu cầu thiết yếu khác… Thứ nữa, phụ huynh và học sinh luôn luôn cảm thấy không yên tâm với kiến thức tiếp nhận trong giờ chính khoá. Một số trường hợp cho con đi học thêm nhằm hạn chế rủi ro, tránh sự tác động, ảnh hưởng của những tiêu cực ngoài xã hội.
Thế nên, trước hết cần thấy rằng việc học thêm là nhu cầu có thực. Vấn đề là tổ chức đáp ứng nhu cầu đó như thế nào cho có hiệu quả cao nhất, vừa công khai minh bạch vừa không làm ảnh hưởng đến hình ảnh đáng tôn kính của các thày cô giáo.
Theo kết quả điều tra mới đây thì khoảng một nửa số học sinh được hỏi cho rằng học thêm thực chất là học kĩ hơn những gì đã được học trong giờ chính khoá. Điều này chứng tỏ tình trạng để dành kiến thức trong giờ chính khoá cho giờ dạy thêm chưa phải đã tràn lan đến mức nghiêm trọng. Hầu hết các em còn cho rằng đi học thêm là cách thức tốt nhất để ôn luyện lại kiến thức và kĩ năng trong từng môn học cho thành thục. Nếu không có giờ học thêm thì ở nhà chưa chắc đã tự giác làm được.
Do đó, theo chúng tôi, thay vì để tình trạng dạy thêm tự phát tràn lan như hiện nay, từng trường học, nhất là các trường công lập cần chủ động tổ chức học ngoài giờ, ôn luyện kiến thức cho những học sinh có nhu cầu. Việc này là theo nhu cầu tự thân của học sinh và gia đình, nhà trường không bắt buộc hoặc tạo ra tình thế có tính ép buộc. Khi nhà trường đứng ra làm việc này thì có thể kiên kết trao đổi với các trường khác, tổ chức cho những giáo việc thực sự giỏi chuyên môn và năng lực sư phạm trực tiếp đào luyện các em, qua đó tạo cơ hội học tập công bằng cho tất cả học sinh, đồng thời cũng là cách để phát hiện, rèn giũa học sinh giỏi, ươm mầm tài năng ngay từ khi mới nhú. Những giáo viên giỏi xứng đáng có thu nhập cao hơn bằng cách góp trí lực và tâm sức của mình vào những công việc đó, không thể trả thù lao cho họ bởi những đồng tiền cào bằng được. Còn những giáo viên ở trình độ trung bình cũng không phải chạy đua dạy thêm tự phát, vì nếu nhà trường đứng ra tổ chức dạy thêm học thêm sẽ có rất nhiều dịch vụ kèm theo mà họ có thể tham gia để tăng thu nhập.
Trong môi trường công khai minh bạch như thế thì việc học thêm mới thực sự là nhu cầu lành mạnh, và việc dạy thêm mới thể hiện được đầy đủ giá trị đích thực của nó./.