Lại lo chuyện minh bạch và trách nhiệm

Trong dòng chảy của các sự kiện tuần qua, dư luận chú ý nhiều đến 2 câu chuyện rất đáng bàn và để lại nhiều suy nghĩ về câu chuyện đạo đức và trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức đang thực thi công việc

Thứ nhất là chuyện nực cười về những “đại gia” cưỡi xe ô tô đi xếp hàng mua nhà ở xã hội - nhà dành cho những người có thu nhập thấp. Và chuyện một chiếc taxi 7 chỗ sụp xuống hố tử thần rất sâu giữa ban ngày trên đường Lê Văn Sĩ, Quận 3, TP HCM do sự cẩu thả của đơn vị thi công. Chúng ta cùng nhìn nhận lại 2 sự kiện này.

Đã có hàng nghìn người đổ về khu chung cư của công ty Vinaconex Xuân Mai (thị trấn Xuân Mai, Hà Nội) cùng bộ hồ sơ trong tay với hy vọng được sở hữu 1 trong 328 căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại khu nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông. Bên cạnh sự kiện đáng nhớ này, hàng nghìn người có mặt hôm đó hẳn không quên hình ảnh những hàng dài xe con nối đuôi nhau cũng… xếp hàng để tìm cách mua nhà thu nhập thấp.

Xung quanh “hố trâu” có các vết nứt lộ dần trên mặt đường và xuất hiện hàm ếch nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Một câu hỏi đặt ra ở đây là, những người ngồi trên xe đó cũng thuộc diện… có thu nhập thấp? Thời đại bùng nổ thông tin nên trên mạng Internet đã ngay lập tức xuất hiện những “cò” mua nhà thu nhập thấp… rao có thể “nhờ giúp” mua nhà, thậm chí cam kết nộp được hồ sơ?!

Chưa biết mức độ hoàng tráng của các cò đến đâu? Có phải là chiêu lừa không? Nhưng đã từ lâu ở nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường nhà đất “cò” luôn là một phần tất yếu và sự thực thì “cò” đã giúp không ít để “cung” gặp “cầu” và thậm chí tỷ lệ thành công khá cao.

Thêm nữa, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội được nhận không ít các khoản hỗ trợ từ Nhà nước như hỗ trợ lãi suất, quỹ đất sạch và nhiều cơ chế ưu đãi khác nhằm mục tiêu giải quyết chỗ ở cho những người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Bộ Xây dựng cũng đã nhiều lần khẳng định đảm bảo cơ chế để các doanh nghiệp khi tham gia dự án nhà ở xã hội có lãi 10%.

Nếu với các điều kiện hỗ trợ như vậy thì lý ra khi xây xong, quyền phân phối nhà ở thu nhập thấp phải thuộc về Nhà nước chứ không nên giao cho chủ đầu tư là các doanh nghiệp. Nếu giao cho họ, chuyện xin - cho, “chạy chọt” để đủ điều kiện là không thể tránh khỏi. Bối cảnh "cầu" quá lớn mà "cung" thì vô cùng hạn hẹp là điều kiện để nảy sinh tiêu cực.

Vẫn biết UBND TP Hà Nội có Quyết định 34 quy định về việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Với nhiều qui định, song vấn đề quan trọng nhất và cũng khó thực hiện nhất đó là xác định chính xác đối tượng thu nhập thấp lại đang là bất cập. Chỉ đơn cử thôi, sẽ có không ít trường hợp có nhà một nơi nhưng lại xác nhận một nơi… Trong trường hợp này cơ quan quản lý, doanh nghiệp không thể có đủ nhân lực và thời gian để xác minh lại hồ sơ.

Câu chuyện thứ 2 liên quan đến cái hố. Đã từ lâu, chuyện có những ổ voi, ổ trâu hay ổ gà… trên đường đối với người dân cũng đã trở thành bình thường.  Nhưng tuần rồi, cả chiếc xe taxi 7 chỗ ngồi sa xuống hố sâu giữa đường thì lại là chuyện xưa nay hiếm.

Nhìn xe taxi lọt hố, người ta thấy ngay sự thiếu trách nhiệm của nhà đầu tư, cũng như nhà thầu thi công. Rất may là thiệt hại về người không xảy ra. Hiện nay người ta vẫn tranh luận xem tổ chức, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho sự cố này? Nhưng nói gì thì nói, sự cẩu thả và vô trách nhiệm của đơn vị thi công đã rõ.

Qua vụ việc này, người ta hoài nghi về chất lượng của những công trình kiểu như thế? Có hay không chuyện rút ruột công trình?... Trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của đơn vị đầu tư thế nào? Rất nhiều “lô cốt” thi công và tái lập cẩu thả hiện diện trên đường như báo chí thời gian qua đã phản ánh, nhưng rồi đâu vẫn vào đó, không mấy thay đổi.

Các công trình thi công ẩu kiểu như vậy không hiếm, nó không chỉ gây tốn kém lãng phí, mà còn nhiều hậu quả khác. Tiền bạc của Nhà nước, sinh mạng của người dân không thể đem ra đánh cược với thói vô trách nhiệm và cẩu thả như thế.

Ai cũng hiểu rõ, tình trạng công trình thi công ẩu, không đảm bảo chất lượng, thậm chí bị kéo dài gây lãng phí, nguy hiểm, nhưng chính quyền chưa mạnh tay xử phạt hoặc đưa ra các hình thức xử lý phù hợp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên