Lãi và lỗ

Chuyện lỗ, lãi giờ như một ẩn số và xảo thuật. Chính vì vậy xuất hiện nhiều “đại gia lỗ”, than khổ vì lương, nhưng dư luận lại không thương mà phản ứng rầm rầm.

Trong kinh doanh lỗ, lãi là chuyện thường, nhưng thực tế ở ta lại chẳng bình thường, kéo dài từ thời bao cấp đến nay. Thời bao cấp người ta thích nói “lãi”, mặc dù là “lãi giả, lỗ thật”, vì nó gắn với bệnh thành tích. Thời bây giờ, chuyện công bố lãi, lỗ linh hoạt hơn. Nếu cần thu hút nhà đầu tư, hay để bán cổ phiếu, người ta tìm mọi cách thuyết phục rằng doanh nghiệp đang có “lãi”. Song, khi cần có sự duy trì, bổ trợ giải cứu từ phía Nhà nước, họ lại công bố đang gặp “thua lỗ”, mà rất ngại công bố “lãi”, để tối đa hóa lợi nhuận, vì lợi ích nhóm, hoặc để lấy tiền ngân sách - tức bòn rút  thuế đóng góp của nhân dân.

Gần đây một hình ảnh đầy ý nghĩa được tung lên báo chí là các đại gia bất động sản vừa đánh golf vừa kêu “lỗ”. Có người thốt lên, golf là môn thể thao quý tộc, không dành cho kẻ nghèo và thất bại; và chơi golf thì phải có “lỗ”, sân càng nhiều “lỗ” thì “đẳng cấp” càng cao. “Lỗ” phải chăng đang trở thành “mốt” thời kinh tế thị trường dựa hơi Nhà nước nên không bị mất uy tín, mà ngược lại càng có tên, có tuổi. Phải thế chăng nên kinh doanh xăng dầu luôn “kêu lỗ” mấy năm nay nhưng xin được vào ngành này đang là một ước muốn của rất nhiều người? Phải thế chăng nên Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã công khai nói, doanh nghiệp nào cảm thấy “lỗ” không chịu được thì xin mời rút lui, nhưng chẳng ai nghĩ đến rút lui cho khỏi “lỗ”? Cũng như vậy, đã xuất hiện nhiều “đại gia lỗ”, than khổ vì lương, nhưng xã hội lại không thương mà phản ứng rầm rầm.

Khác với “lãi thật, lỗ giả” lại là tình trạng “lãi giả, lỗ thật”, nguyên nhân là do bệnh thành tích và lợi ích cục bộ của một nhóm nhỏ chi phối. Dễ thấy vào dịp cuối năm, có không ít bản báo cáo tổng kết na ná giống nhau, điều đặc biệt là con số thành tích đầy ấn tượng, năm sau cao hơn năm trước, đời sống công nhân được cải thiện đáng kể… Chỉ đến khi đứng bên bờ vực phá sản, thì mọi yếu kém mới được phơi bày, nhưng các báo cáo thành tích “năm sau cao hơn năm trước” thì vẫn vô can, bởi không ai đưa ra xét xử các bản báo cáo. Phải thế chăng mà ở những nơi “chưa bị lộ”, tình trạng báo cáo hay vẫn như nguyên?

Như vậy lỗ, lãi hiện nay dường như là một ẩn số và xảo thuật của một số ngành kinh doanh, chủ yếu của công ty, tập đoàn Nhà nước đến mức nhiều khi lộn xộn không biết đâu mà lần.

Tại sao lại như vậy? Suy cho cùng cũng là do thiếu minh bạch, thêm vào đó là sự yếu kém hoặc làm chưa hết trách nhiệm của thanh tra và kiểm toán. Thiếu minh bạch đương nhiên sẽ dẫn đến hành vi lợi dụng. Vừa qua, 11 cơ sở xăng dầu tại TP. HCM bán xăng kém chất lượng chính là “móc” tiền túi của nhân dân.

Giới kinh doanh luôn lấy “chữ tín” làm trọng, vậy thì tình trạng “lãi - lỗ” giả tạo này bắt nguồn từ đâu?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên