Làm gì để không còn khiếu kiện sai?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Trách nhiệm của chính quyền là phải tiếp công dân, lắng nghe những ý kiến khiếu nại, tố cáo của công dân”.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, từ năm 2008 – 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp gần 1,6 triệu lượt người đến khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận, xử lý gần 673.000 đơn thư.

Điều đáng nói là trong hàng trăm nghìn vụ khiếu kiện thì có tới hơn một nửa là khiếu kiện sai cả nội dung và hình thức. Con số đó phản ánh vấn đề gì và cần làm như thế nào để không còn những “cái sai” ấy?

Trong công tác quản lý Nhà nước, việc xảy ra khiếu nại, tố cáo của người dân đối với các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền là điều không thể tránh khỏi. Năm nào các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng nhận được hàng nghìn đơn thư khiếu kiện của người dân.

Thông qua đơn thư khiếu nại-tố cáo ấy nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực đã được phanh phui; nhiều cán bộ biến chất đã phải nhận hình phạt thỏa đáng của pháp luật; nhiều người dân đã “đòi lại” được sự công bằng, quyền lợi hợp pháp của mình.

Thế nhưng, con số hơn 50% đơn, thư khiếu nại-tố cáo của công dân có nội dung sai sự thật cũng rất đáng để cho chúng ta phải suy nghĩ.

Trước hết là câu chuyện về ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tình hình khiếu nại tố cáo những năm qua diễn biến rất phức tạp; số đoàn đông người tăng mạnh; thái độ công dân đi khiếu kiện thiếu kiềm chế, khiếu nại tố cáo vượt cấp lên Trung ương gia tăng, đơn thư gửi tràn lan mang tính phổ biến.

Đành rằng có nảy sinh tiêu cực và do thái độ thờ ơ, quan liêu của một bộ phận cán bộ cơ sở khiến người dân bức xúc, phản ứng gay gắt, vượt cấp lên trên, nhưng lý giải làm sao khi nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước, đã được xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai?!

Đa số người dân đều chấp hành đúng pháp luật, tuân thủ những quy định của pháp luật. Nhưng vẫn còn một bộ phận người dân vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo, đưa những thông tin sai sự thật. Việc làm này, dù vô tình hay hữu ý đã làm phức tạp thêm tình hình, gây hiệu ứng không tốt trong dư luận.

Bên cạnh đó, còn một bộ phận công dân thiếu hiểu biết pháp luật. Vì không hiểu luật nên họ cho rằng chính quyền, cán bộ cơ sở xử lý chưa đúng. Điều này thể hiện khá rõ trong các vụ cưỡng chế thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng xây dựng các khu, cụm công nghiệp, kinh tế. Và khi không thỏa mãn quyền lợi cá nhân, do không hiểu biết quy định của pháp luật, họ tiếp tục khiếu kiện lên Trung ương. Đã có những đơn thư “kính gửi” tới 70 cơ quan khác nhau phản ánh thực trạng đó.

Thiếu ý thức, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người theo từng nhóm. Lợi dụng tình hình đó, các phần tử xấu kích động hành vi quá khích, gây rối, làm mất uy tín cán bộ, cơ quan, làm mất thời gian của các ban ngành chức năng khi phải xem xét, điều tra, giải quyết. Từ đó tạo nên những bất ổn trong đời sống chính trị-xã hội ở một số địa phương.

Số vụ khiếu nại-tố cáo sai trình tự thủ tục chiếm tới hơn 50% cho thấy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật nhằm “nâng cao chất lượng” những vụ khiếu kiện. Mỗi người phải hiểu rằng, chúng ta sống trong một xã hội dân chủ nhưng không được lợi dụng dân chủ, lợi dụng chính sách thực hiện những hành vi sai trái.

Vì thế, đối với hành vi tố cáo sai mang tính chất nghiêm trọng cũng cần bị xử lý kiên quyết theo pháp luật, thậm chí có thể lập hồ sơ đưa sang cơ quan điều tra để khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật. Và điều căn bản là chính quyền, cơ quan chức năng tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân, nhất là những vấn đề bức xúc, những vụ việc khiếu kiện còn tồn đọng. 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại-tố cáo của công dân, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã nhấn mạnh: “Trách nhiệm của chính quyền là phải tiếp công dân, lắng nghe những ý kiến khiếu nại, tố cáo của công dân”.

Khi chính quyền đã biết lắng nghe, đã giải quyết thấu đáo, hợp lý hợp tình, đã tạo được lòng tin trong nhân dân; khi người dân đã có tầm hiểu biết nhất định về luật pháp thì sẽ không còn những vụ khiếu nại-tố cáo sai sự thật và sai trình tự pháp lý như thời gian qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên