Làm gì để thế hệ sau không phải hứng chịu hậu quả thiên tai?
(VOV) -Khi phát huy nội lực tại chỗ thì hiệu quả cao hơn rất nhiều so với huy động lực lượng từ bên ngoài.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa có thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước nhân Ngày truyền thống phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam (22/5). Đây là bức thư được gửi đều đặn hàng năm vào ngày này, kể từ năm 1990, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng- nay là Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 22/5 hàng năm làm “Ngày truyền thống phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam.
Điều này cho thấy sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước ta tới công tác này. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phòng chống thiên tai ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và vẫn còn nhiều người dân chủ quan, lơ là chưa chủ động phòng tránh.
Ngay trong phần đầu bức thư, Chủ tịch nước đã khẳng định: Từ bao đời nay, phòng, chống thiên tai, bão lụt luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của đất nước ta. Trong những thập kỷ gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ở nước ta, thiên tai diễn biến phức tạp và trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Cần có biện pháp chủ động đối phó với thiên tai để hạn chế thiệt hại về người và tài sản |
Nhìn lại lịch sử, có lẽ ai cũng thấy, câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, với việc Sơn Tinh liên tục dâng núi thật cao để đối phó với hành động dâng nước đầy hung dữ của Thủy Tinh là minh chứng rõ nét nhất về sự chủ động phòng chống thiên tai của cha ông ta xưa. Sự chiến thắng của Sơn Tinh cũng chính là sự chiến thắng thiên tai của cha ông ta, là bài học mà các thế hệ hôm nay cần học tập.
Biết bao đời nay, người Việt Nam ta luôn thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó với thiên tai bão lụt. Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra nhưng vì sao thiên tai vẫn liên tục hoành hành và với đủ các loại hình? Nào bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất, triều cường, nước biển dâng; rồi sóng thần, lốc xoáy, mưa đá…; hạn hán kéo dài, cháy rừng… Các nhà khoa học gọi đó là sự giận dữ, giáng trả của thiên nhiên, đáp lại những hành động của con người hủy hoại môi trường, phá rừng, tàn phá môi trường sống.
Giờ đây, ai cũng biết thiên tai liên tiếp xảy ra với rất nhiều biểu hiện khác nhau - đó là do hiện tượng biến đổi khí hậu. Những con số mà các nhà khoa học đưa ra, hẳn sẽ khiến nhiều người phải giật mình lo lắng: biến đổi khí hậu đang làm ít nhất 300.000 người thiệt mạng mỗi năm; thiệt hại kinh tế lên tới 125 tỷ USD, nhiều hơn toàn bộ mức viện trợ của thế giới hiện nay. Và tới năm 2030, con số này sẽ là 600 tỷ USD. Nếu lượng khí thải hiện nay không sớm được kiểm soát thì 25 năm tới, 300 triệu người sẽ phải hứng chịu những hậu quả tồi tệ, nghèo đói, thiếu nhà cửa…
Việt Nam được xếp là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của thiên tai. Trong 10 năm trở lại đây, thiên tai đã làm chết và mất tích hơn 10.000 người, thiệt hại ước tính lên tới 1,5 tỷ USD. Hơn lúc nào hết, chủ động phòng tránh thiên tai là biện pháp hữu hiệu nhất. Nhưng phòng tránh bằng cách nào? Phương châm “4 tại chỗ” đã được đưa ra và triển khai thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Nhưng một nhà chuyên môn khẳng định rằng: giải pháp quan trọng nhất chúng ta cần thực hiện lúc này là phòng tránh thiên tai dựa vào cộng đồng.
Thực tế cho thấy, ở những nơi nào công tác giảm nhẹ thiên tai huy động được sự tham gia của tất cả người dân, hướng dẫn họ biết cách tự ứng phó, thì ở nơi đó, những tổn thất về tài sản, tính mạng của người dân giảm đi rõ rệt. Người dân tự đưa ra kế hoạch, giải pháp để cùng các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương là một thể thống nhất trong công tác phòng chống thiên tai. Rõ ràng, khi phát huy nội lực tại chỗ thì hiệu quả cao hơn rất nhiều so với huy động lực lượng từ bên ngoài, mà thời gian qua chúng ta vẫn thực hiện.
Cùng với những giải pháp đó thì luật hóa công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai đối với Việt Nam là rất cần thiết. Điều rất đáng mừng là tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 này, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Dự án Luật phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Dự án Luật ra đời, chúng ta sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay, là chúng ta chỉ chú trọng vào giai đoạn ứng phó và khắc phục hậu quả mà chưa tập trung vào các giai đoạn còn lại. Mặc khác, với dự án Luật, chúng ta sẽ có quy định rõ ràng về nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp trong việc thuân thủ các yêu cầu của chu trình quản lý rủi ro thiên tai trong các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng, hoạt động xây dựng và giao thông; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan cảnh báo, mức độ cảnh báo, nêu rõ tiêu chí và trách nhiệm để tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi có thiên tai xảy ra.
Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã xem xét và cho nhiều ý kiến về dự thảo Luật. Và hy vọng tại kỳ họp lần thứ 5, sẽ có nhiều ý kiến xác đáng được đưa ra để chúng ta có một dự án Luật hoàn chỉnh được thông qua vào cuối kỳ họp, góp phần làm cho công tác phòng tránh thiên tai ở Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất, và để con cháu chúng ta sẽ không còn phải hứng chịu quá nhiều ẩn họa khôn lường của thời tiết mà thiên tai có thể giáng trả bất cứ lúc nào./.