“Làm hàng” trong kinh doanh du lịch
Kiểu câu kết “làm giá” đang diễn ra thoải mái mà không có cơ quan nào bảo vệ quyền lợi người du lịch
Du lịch là ngành “công nghiệp không khói”, nhưng nếu sự lộn xộn và cung cách làm ăn thiếu văn hoá tiếp tục kéo dài thì tình trạng ô nhiễm mà nó gây ra có thể còn nguy hiểm hơn nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Dịp 30/4 và 1/5 này, đón trước nhu cầu của đợt nghỉ dài ngày, các công ty, đơn vị làm du lịch đua nhau thiết kế, quảng bá tour từ cách đó cả tháng. Rồi 2-3 tuần trước, tất cả các điểm đến được đông khách hàng lựa chọn đều thông tin “cháy phòng nghỉ”, các đơn vị vận chuyển thì thông tin hết vé máy bay, tàu hoả, hết cả ô-tô cho thuê tự lái cũng không còn. Kiểu câu kết “làm giá” này không mới, đã và đang diễn ra thường xuyên từ nhiều năm nay, nhưng chẳng có cơ quan quản lí nào bảo vệ quyền lợi của khách du lịch. Dịp này, phòng nghỉ hạng trung bình ở các điểm đến đông khách đều tăng giá gấp đôi ngày thường, có nơi gấp 3, thậm chí gấp 4 lần. Các dịch vụ khác có liên quan cũng tăng giá bừa bãi, và đáng buồn hơn là có nơi vẫn xảy ra tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch, nhất là người nước ngoài. Đối với các công ty, đơn vị làm du lịch, tổ chức sự kiện thì có tình trạng thiết kế tua giống nhau, sao chép của nhau, rồi tung tin nói xấu, bôi nhọ nhau. Ví dụ trong dịp này là các tour du lịch miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long, ở tỉnh nào cũng hao hao như nhau, không có điểm riêng biệt nào đáng nhớ.
Kiểu làm ăn chụp giật còn diễn ra trong việc thực hiện hợp đồng tour du lịch. Khi quảng bá thì nói rất nhiều rất hay, nhưng trên thực tế lại tự ý cắt xén chương trình. Nhiều công ty du lịch cố tình thay đổi thực đơn, phòng khách sạn, cắt bỏ những điểm tham quan có thu phí, rồi “ép” khách du lịch vào hết điểm mua sắm này đến cửa hàng khác...
Ai cũng biết mục đích của kinh doanh nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng là sinh lợi, nhưng sự thành bại của doanh nghiệp phụ thuộc vào việc khách hàng có chấp nhận hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ đó hay không. Làm ăn theo kiểu chụp giật thì không thể lâu bền được, và có thể chính vì hiểu rõ điều này nên nhiều doanh nghiệp chẳng quan tâm gì đến việc xây dựng văn hoá kinh doanh du lịch.
Trong thị trường lộn xộn chụp giật đó thì vai trò của Nhà nước là rất quan trọng. Các cơ quan chức năng và từng địa phương cần có sự phối hợp chấn chỉnh bằng những việc làm cụ thể, bài bản và dài hạn, nhằm từng bước thiết lập lại nền nếp trật tự trong kinh doanh du lịch. Trước mắt, nếu cần thiết phải thực hiện chế tài xử lí mang tính răn đe mạnh hơn, vừa bảo vệ uy tín cho các doanh nghiệp đã xác lập được, vừa không đánh mất cơ hội của những doanh nghiệp mới bước vào thị trường nhưng quyết tâm gây dựng uy tín để làm ăn lâu dài. Bởi nếu không có sự can thiệp cần thiết và hiệu quả thì môi trường kinh doanh du lịch sẽ ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Hàng triệu đô-la bỏ ra để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền hình quốc tế cũng không thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Khách trong nước sẽ quay ra tự tổ chức đi du lịch, còn khách nước ngoài từng đến Việt Nam sẽ không bao giờ quay lại. Nghiêm trọng hơn là những giá trị truyền thống cách mạng, lịch sử, tự nhiên, văn hoá, được biểu hiện qua hoạt động du lịch cũng bị méo mó, xói mòn đi, khó mà phục hồi được.
Về phía các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, để đảm bảo văn hoá trong cạnh tranh cần có đầu tư đúng mức về tài chính và nhân lực ; xây dựng hướng phát triển riêng và đặc thù, mới lạ về sản phẩm du lịch ; tạo được phong cách và sự nhất quán trong qui trình phục vụ, phát huy tính chuyên nghiệp ngay từ khi tìm hiểu nhu cầu cho đến suốt quá trình tiếp xúc, phục vụ và đưa tiễn khách hàng. Chất lượng phục vụ xác lập uy tín, tạo dựng thương hiệu của doanh nghiệp, đảm bảo vị thế cạnh tranh lành mạnh trong thị trường ngành “công nghiệp không khói” này./.