Lạm phát ban chỉ đạo, không ai chịu trách nhiệm
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ vừa yêu cầu cơ quan chức năng ở Đà Nẵng rà soát để giải thể 70-80 ban chỉ đạo của thành phố.
Ông Trần Thọ than phiền tình trạng "việc gì cũng lập ban chỉ đạo" đã sinh ra nhiều hội họp mất thời gian, lãng phí. Trong khi đó, cái gì cũng lập ban chỉ đạo nên không ai chịu trách nhiệm, trách nhiệm cứ chung chung.
Trong một phiên họp của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, một chuyên gia kinh tế từng phát biểu trước đây khi hội đồng mới thành lập và họp phiên đầu tiên, khi nghe một vị lãnh đạo nói đây là hội đồng thứ 23 mà ông tham gia thì “tôi rụng rời chân tay, như vậy lấy đâu sức làm việc vì họp hành rất nhiều” - vị chuyên gia nhớ lại.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, trong một hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm với các địa phương, cũng cho biết bà tham gia tới gần... 100 ban chỉ đạo khác nhau.
Ban chỉ đạo nhiều không chỉ dẫn đến họp hành nhiều, trách nhiệm chung chung, mà còn trực tiếp tiêu tốn ngân sách.
Tại một phiên giải trình về chính sách giảm nghèo của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Ngọc Chương bình luận rằng: “Đang có tình trạng hội chứng ban chỉ đạo, có quá nhiều chương trình mục tiêu dẫn đến quá nhiều ban chỉ đạo, mỗi ban chỉ đạo lại có bộ máy riêng, chi phí hành chính rất lớn”.
Từ chuyên gia kinh tế cho đến lãnh đạo cấp bộ và đại biểu Quốc hội lâu nay đã nhìn thấy những bất cập của việc thành lập quá nhiều ban chỉ đạo, đã có nhiều ý kiến đề nghị lồng ghép, giảm bớt các ban chỉ đạo, nhưng hiếm khi biện pháp mạnh được đưa ra.
Chính vì vậy, việc Đà Nẵng xung phong giải thể là một tín hiệu đáng mừng, hi vọng sẽ tạo ra sự lan tỏa giữa các tỉnh, thành và không dừng lại ở cấp địa phương.
Thật ra bất cứ ban chỉ đạo nào cũng có lý do cho sự ra đời của mình, ai đó sẽ biện minh rằng “đã có quyết định thành lập tức là phải có mục đích cần thiết”. Chính vì vậy công việc này đòi hỏi sự rà soát, thống kê, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ban chỉ đạo hiện có, ngân sách hoạt động, số lượng và lộ trình giải thể các ban chỉ đạo không cần thiết.
Sau đó công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Công việc này cũng cần được sớm tiến hành ở cấp trung ương với tinh thần chỉ giữ lại những ban chỉ đạo thật sự cần thiết trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc một nhiệm vụ quan trọng nào đó của nền quản trị quốc gia.
Các ban chỉ đạo được thành lập để ứng phó, giải quyết sự việc diễn ra trong thời điểm nhất định cần ghi rõ thời gian tự giải thể.
Đã đến lúc ở cấp quốc gia cũng cần có một chỉ đạo cụ thể và quyết liệt đối với tình trạng lạm phát ban chỉ đạo./.