Lạm thu đầu năm học - Cần nhìn từ nhiều phía
Lạm thu có nguồn gốc sâu xa từ việc đầu tư kinh phí, quản lý thu chi… trong nhà trường nói riêng và giáo dục nói chung hiện chưa hợp lý, từ đó dẫn tới thiếu minh bạch.
Nói về tình trạng lạm thu, mới đây lãnh đạo một vài Sở GD-ĐT quả quyết trên báo: “Phụ huynh có thể từ chối các khoản thu tự nguyện”. Xin thưa, trong hai chữ “tự nguyện” đã bao hàm ý các vị nói rồi. Vấn đề ở chỗ không đóng không được. Việc lãnh đạo một số Sở GD-DT nhắc ý này càng làm dư luận thêm buồn… cười. Bởi nó tô vẽ cho một quyết tâm trên giấy, quyết tâm bằng lời. Hơn nữa, chính ngành Giáo dục cũng tự nhận là có lúc, có nơi không quản lý nổi vì chính địa phương đồng ý cho trường thu một số khoản ngoài quy định.
Đầu năm học này, Bộ GD-ĐT ra Công văn 4718/BGD&ĐT-GDTrH, ngày 11/8/2010, hướng dẫn nhiệm vụ năm học, trong đó có một nội dung khuyến khích các địa phương thu tiền xây dựng và tiền học trên 6 buổi/tuần. Công văn nói rõ việc thu trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc, nhưng hiểu và thực thi công văn này ở cơ sở như thế nào hẳn mỗi người đều biết. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói, ông từng đi họp phụ huynh. Vậy Bộ trưởng có biết thực tế này?
Câu chuyện lạm thu không mới nhưng tồn tại dai dẳng ắt có lý do. Nếu như phụ huynh ca thán đủ mọi khoản tiền phải nộp thì nhà trường cũng đặt câu hỏi: Tiền đâu chi cho bảo vệ, lao công? Bánh xà phòng rửa tay ai mua…? Phải chăng đó là lý do khiến Bộ GD-ĐT đã ra những công văn kiểu bật đèn xanh để thu tiền (như CV4718/BGD&ĐT-GDTrH)? Nếu đúng vậy thì phải chăng Bộ cũng biết chỗ vướng rồi nhưng không gỡ nổi vì liên quan đến các bộ ngành khác, thậm chí cả luật?
Lạm thu có nguồn gốc sâu xa từ việc đầu tư kinh phí, quản lý thu chi… trong nhà trường nói riêng và giáo dục nói chung hiện chưa hợp lý, từ đó dẫn tới thiếu minh bạch.
Không thể giải quyết dứt điểm lạm thu khi chưa có nghiên cứu, khảo sát xem có thực là các trường không đủ kinh phí cho hoạt động giảng dạy tối thiểu hay không. Nếu thiếu thì giải quyết ra sao cho hợp lý hợp tình (nghĩa là đúng luật và hợp lòng dân).
Gần đây, núp bóng xã hội hoá giáo dục, một nhóm phụ huynh kêu gọi đóng tiền để trang bị máy tính, máy chiếu, máy điều hoà… cho những phòng mà con em họ đang học. Bản chất của việc này cũng là lạm thu. Cần phải nhận thức rằng, cả ngôi trường đó là do nhân dân xây dựng bằng tiền thuế. Vì thế nó phục vụ bình đẳng cho cả cộng đồng. Bây giờ một nhóm phụ huynh đóng góp một chút, rồi biến nó thành của riêng e không phù hợp, nhất là trong phạm vi cùng trường. Việc làm này dễ dẫn tới sự phân biệt trong thái độ, suy nghĩ, hành động… của học sinh, giáo viên. Tiếp đó là nhiều hệ lụy xảy ra như chạy đua để được dạy và học trong những căn phòng tiện nghi, rồi tiền điện, rồi các phòng học khác cũng không thua chị kém em, đua ganh, tạo gánh nặng cho gia đình nghèo…
Nhà nước trân trọng sự giúp đỡ của phụ huynh, nhưng mọi sự giúp đỡ đều phải hướng tới cái đích là dạy và học tốt hơn. Không để đặc quyền của một nhóm nhỏ ảnh hưởng tới sự công bằng chung, tiềm ẩn nhiều rắc rối phát sinh.
Hiện ở Việt Nam có đủ loại hình trường lớp đáp ứng được các yêu cầu của phụ huynh và học sinh. Đa dạng loại hình cũng là xã hội hoá giáo dục. Ai có đủ khả năng thì cho con ra nước ngoài học, dưới một chút thì học trường quốc tế trong nước, rồi trường chuyên, trường tư thục, trường điểm… Chúng ta không kìm hãm sự sáng tạo và phát triển, chúng ta không chấp nhận sự cào bằng, cùng níu kéo nhau để rồi chất chìm…, nhưng giáo dục là lĩnh vực đặc thù, không thể áp dụng máy móc phương pháp quản lý và điều hành của một mô hình khác vào giáo dục được./.