Lắng nghe lời tâm huyết của dân

Lắng nghe ý kiến rộng rãi của dân để hoàn thiện cơ bản các văn kiện là chủ trương và hành động sáng suốt của Đảng; là việc thực hiện dân chủ rộng rãi và huy động trí tuệ toàn dân.

>> Góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XI
Quốc hội vừa dành trọn một ngày để đại biểu góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI. Với hàng trăm lượt ý kiến thẳng thắn, xây dựng, đại diện các vùng miền, các ngành, các giới, thể hiện rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng mà cử tri và nhân dân cả nước trao gửi niềm tin vào Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những vấn đề “quốc kế dân sinh” trong các văn kiện lần lượt được các Đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá, góp ý bằng sự hiểu biết thực tế, sự chắt lọc từ cuộc sống và tập hợp ý kiến cử tri. Mỗi người một phong cách, một góc nhìn, một cách thể hiện, song tất cả đều tâm huyết và trách nhiệm trước sự phát triển của quốc gia, dân tộc trong tình hình mới.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Từ ý kiến về xây dựng Đảng: Có cần thiết “thí điểm kết nạp Đảng đối với chủ doanh nghiệp tư nhân” hay không? Làm gì để Đảng mạnh hơn nữa? Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì vai trò của đội ngũ doanh nhân ở đâu? Văn kiện cần nhấn mạnh thế nào để đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí? Nên chọn những khâu đột phá nào để tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với công bằng xã hội? Cần khẳng định “Xây dựng quân đội, công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” thay cho “từng bước hiện đại” như trong Dự thảo Văn kiện… cùng nhiều nội dung khác, được các đại biểu Quốc hội thảo luận và góp ý.

Không như những diễn đàn có tính lễ nghi khác, không bị hạn chế thời gian, từ nhiều góc độ khác nhau, các đại biểu Quốc hội góp ý kiến thông qua số liệu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn ở địa phương và những chuyến đi thực tế, sự chắt lọc, gửi gắm của cử tri. Nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu những bất hợp lý, thậm chí cả yếu kém, tiêu cực; những băn khoăn, thắc mắc và cả vấn đề mà các văn kiện chưa đề cập.

Đâu đó có ý kiến cho rằng, dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc đã được các chuyên gia cao cấp, những nhà lý luận, nhà chính trị chắt lọc, soạn thảo rất công phu… nên người dân không cần góp ý vì đã đầy đủ?

Nhưng thực tế không hẳn như vậy! Hơn 1 tháng qua đã có hàng vạn ý kiến góp ý cho Đảng. Chủ trương lấy ý kiến người dân, của các ngành, các cấp, các giới là để Đảng lắng nghe dân. Lắng nghe những lời nói thật từ thực tiễn cuộc sống mà Văn kiện (dù có xây dựng công phu đến mấy) cũng không thể bao quát hết. Như một Đại biểu Quốc hội phát biểu: “Dân có tin Đảng hay không là do Đảng dám nhìn vào sự thật, trình bày trước dân. Lấy ý kiến dân đóng góp cho Đảng thật đáng mừng, nhưng mừng hơn là Đảng lắng nghe và sẵn sàng tiếp thu sáng kiến của dân”.

Nhớ lại thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), nhiều đảng viên cùng đông đảo nhân dân cả nước lo lắng đặt câu hỏi: “Làm gì để đất nước vượt qua khủng hoảng toàn diện về kinh tế - xã hội?” “ Đổi mới hay là chết?” Nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng thay nhau đi cơ sở, đến từng nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, trường học để lắng nghe dân nói, chắt lọc ý kiến, tâm tư nguyện vọng, tự đặt câu hỏi, rồi tự trả lời để đúc kết, xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng. Chính từ “lắng nghe dân” đã góp phần quyết định làm nên một “Văn kiện mang tính lịch sử” - đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, cơ sở quan trọng hàng đầu cho công cuộc đổi mới đất nước. Một văn kiện nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội và của “ý Đảng, lòng dân”.

Lắng nghe ý kiến rộng rãi của dân để hoàn thiện cơ bản các văn kiện là chủ trương và hành động sáng suốt; là việc thực hiện dân chủ rộng rãi và huy động trí tuệ toàn dân. Cao hơn nữa, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của dân còn là “văn hóa của Đảng cầm quyền”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên