Lãng phí lớn từ đầu tư thiếu đồng bộ
Hậu quả có thể nhìn thấy, đó là lãng phí nguồn lực đầu tư Nhà nước – Nguồn lực vốn không phải là dư dả
Trong khi tình trạng thiếu điện gay gắt đã, đang và sẽ diễn ra như dự báo của chính ngành điện, thì tuần qua, một chuyện khá lạ lùng đã xảy ra, một số nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát điện mà không được hòa lên lưới. Tình trạng này được ngành chuyên môn giải thích là do “đường truyền quá tải”.
Xung quanh những câu chuyện như điện “quá tải đường truyền”, cảng “quá tải đường dẫn”, có thể thấy ngay hậu quả đầu tiên của việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ: đó là sự lãng phí nguồn lực đầu tư.
Theo Tổng Công ty điện lực miền Trung, “do đường dây truyền tải 110kV Kon Tum- Pleiku, xuất phát từ trạm biến áp 500kV Pleiku có khả năng truyền tải công suất tối đa chỉ 78 MW vì thiết kế và xây dựng với kết cấu mạch đơn, sử dụng dây dẫn loại nhỏ AC-150, nên chỉ tải được khoảng 100MW, trong khi đó tổng công suất thủy điện Plei Krông cùng 6 thủy điện vừa và nhỏ tại địa phương ngay tại thời điểm này đã lên tới 160MW, nên khi các nhà máy cùng phát điện sẽ dẫn tới quá tải đường truyền”. Giải pháp trước mắt, là buộc một số nhà máy thủy điện nhỏ phải ngừng hoặc giảm công suất phát điện.
Lâm vào tình thế dở khóc, dở mếu này, các nhà đầu tư những nhà máy thủy điện nhỏ, do không phát được điện, thời gian thu hồi vốn kéo dài, thiệt hại đã thấy rõ! Việc “thừa” điện trên địa bàn Kon Tum tại thời điểm này do nhiều công trình, dự án trên địa bàn - những phụ tải tiêu thụ điện lớn chưa hoàn thành, nên điện sản xuất ra chưa có “địa chỉ” đến, phải đưa cả lên đường dây tải điện với khả năng truyền tải công suất nhỏ, chuyện quá tải sẽ là đương nhiên !
Có thể nhìn ra được sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch hạ tầng ngành điện. Đã có sự vênh nhau giữa đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải. Điện năng - thứ sản phẩm không tích trữ được, sản xuất - tiêu thụ là quá trình đồng thời, sẽ bị lãng phí nếu không được phát lên lưới.
Nhớ lại cuối tháng 7/2010, trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình thiếu điện và các giải pháp khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chuẩn bị Đề án và các văn bản pháp lý cần thiết cho việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10/2010 để xem xét cho thực hiện ngay từ năm 2011, hướng tới các mục tiêu đảm bảo cung cấp điện ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh điện, thu hút được đầu tư phát triển nguồn điện, ổn định giá điện, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động điện lực.
Tuy nhiên, để sớm khởi động thị trường phát điện cạnh tranh, vẫn còn đó nhiều cái khó. Cái khó nhất là thị trường chỉ có một người mua duy nhất - đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khó lòng mà tạo ra yếu tố cạnh tranh. Người mua điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm giữ các đơn vị truyền tải, có trách nhiệm đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền tải điện, hạn chế tổn thất điện năng và đáp ứng nhu cầu truyền tải khi phát triển mạnh nguồn.
Qua sự việc điện làm ra “chưa được lên lưới”, có thể thấy khi chưa có nhiều người bán điện, mà đã bị khó dễ thế này, chuyện thu hút đầu tư “làm điện”, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư xem ra lại càng khó.
Từ chuyện điện lại liên tưởng tới chuyện cảng biển. Hai năm qua, kinh tế thế giới suy thoái, các cảng biển ở nhiều trung tâm trung chuyển quốc tế trên thế giới ít nhiều rơi vào cảnh kém nhộn nhịp, thì nhiều cảng biển ở Việt Nam lại lâm vào cảnh ngược lại, quá tải. Quá tải không phải vì hàng hóa ra vào cảng nhiều, mà hàng hóa bị ách tắc do không giải phóng nhanh được khỏi cảng.
Hậu quả có thể nhìn thấy là các doanh nghiệp mất thêm chi phí lưu kho bãi, mất thời gian, và sợ nhất là lỡ thời hạn giao hàng, bị phạt hợp đồng. Sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch đầu tư cảng biển là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng ách tắc hàng hóa tại cảng. Hậu quả này cũng đã được nhìn thấy trước, khi ở một số khu vực, như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có tới 53 cảng, trong đó có gần 10 cảng nước sâu đã và đang được hình thành, nhưng chỉ có một con đường duy nhất tới các cảng, đó là quốc lộ 51.
Thiếu đồng bộ giữa quy hoạch, đầu tư phát triển cảng biển và đường giao thông, chuyện cảng biển “quá tải do thiếu đường dẫn” đã và sẽ lại tiếp tục xảy ra. Hiệu quả khai thác các cảng biển, vì thế mà cũng không được phát huy tương xứng với công năng khi thiết kế, đầu tư.
Chuyện điện sản xuất ra không thể cùng “lên chung” một đường truyền tải ở Kon Tum và chuyện ách tắc hiện tại và tương lai khi ra vào các cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu khi tất cả cùng chen nhau ra cảng trên một con đường duy nhất, đó là những biểu hiện cho thấy sự lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội khi đầu tư không đồng bộ!./.