Lãnh đạo đối thoại với dân: Không còn vô cảm
(VOV) - Nhiều vụ việc cho thấy, người đứng đầu chính quyền, cấp ủy không vô cảm với những bức xúc của dân, mọi việc đều có cách giải quyết.
Với quyết tâm sửa sai, tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã kiên nhẫn chờ tiếp công dân Phan Thị Kim Phụng – người đã mất cả tuổi xuân để đi khiếu nại về thửa đất của gia đình mình. Thực tế, trong suốt cả năm 2012, những câu chuyện kiểu như vậy đã không còn hiếm.
Ở nhiều tỉnh, thành phố, lãnh đạo cấp ủy và chính quyền đã xuống với dân nhiều hơn, nghe dân nói nhiều hơn. Kết quả đạt được bước đầu đã góp phần khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, với những biểu hiện quan liêu, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra.
Câu chuyện 14 năm đi kiện của công dân Phan Thị Kim Phụng liên quan đến 5.000m2 đất của gia đình dẫu chưa hẳn đã kết thúc, nhưng dư luận ở miền Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung rất phấn khởi, khi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan dành thời gian tiếp bà Phụng sau khi đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ.
Trong cuộc gặp này, ông Lê Minh Hoan đã thấy sự việc là sai và quyết tâm sửa sai, dù cái sai đó liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (người cầm thước đo trên bản đồ), tiếp bà Phan Thị Kim Phụng (Ảnh: P.Vũ) |
Câu chuyện này làm chúng ta nhớ đến cuộc gặp giữa Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải với công dân Nguyễn Tấn Lực về vụ khiếu kiện đất đai dai dẳng.
Gần 20 năm là thời gian mà công dân này vác đơn khiếu kiện khắp nơi mà không được giải quyết thỏa đáng. Sau cuộc làm việc kéo dài 20 phút, nghe vị lãnh đạo cao nhất của thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ việc, công dân Nguyễn Tấn Lực hứa sẽ rút lá đơn khiếu kiện. Dù diễn ra ở hai địa điểm khác nhau, nhưng cả bà Phụng và ông Lực đều có chung một mong ước là “muốn gặp lãnh đạo một lần cho mọi chuyện ra nhẽ”. Và họ đã được thỏa ước.
Ông Nguyễn Thái Học- đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, người đã nêu câu chuyện “20 phút và 20 năm” ra diễn đàn Quốc hội chia sẻ: “Yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo là phải gần dân, sát dân. Đây là một nghĩa vụ bắt buộc đối với bất cứ cán bộ lãnh đạo nào. Trên thực tế, các đơn thư khiếu nại của công dân rất bức xúc, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Người ta muốn được gặp lãnh đạo để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và nêu kiến nghị của mình. Một số địa phương đã ý thức và làm tốt việc này, nhưng cũng không ít nơi làm chưa tốt vấn đề này”.
Khi người đứng đầu chính quyền hay cấp ủy dám đối mặt với thực tiễn, không vô cảm với những bức xúc của dân, thì mọi việc dù khó khăn đến đâu cũng tìm được hướng giải quyết.
Năm qua, dư luận vẫn chưa quên cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh với gần 800 tiểu thương chợ Bỉm Sơn, giải tỏa những bức xúc đỉnh điểm liên quan đến việc xây chợ mới. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đối thoại với người dân ở huyện Sơn Tịnh về vấn đề thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, việc đền bù, tái định cư... Gần đây nhất, tháng 12/2012, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Trần Văn Túy cũng đã có buổi tiếp xúc và đối thoại với hơn 150 cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành.
PGS.TS Nguyễn Văn Giang- Phó Giám đốc Học viện xây dựng Đảng, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia cho rằng, kết quả của các cuộc tiếp xúc như vậy là rất tích cực. Ông nói: “Việc cán bộ chủ chốt, cán bộ dân cử phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân là một chủ trương mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đặt ra trong việc đổi mới, tăng cường công tác tư tưởng. Thời gian qua, một số cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện đã trực tiếp đối thoại với nhân dân.
Qua các cuộc gặp như thế cho thấy kết quả rất tốt, trực tiếp được những việc rất cụ thể, tồn đọng như việc 20 phút và 20 năm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Qua gặp gỡ sẽ giúp cán bộ nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo được tình hình tư tưởng, có biện pháp cụ thể để giải quyết. Đây là chủ trương rất đúng, cần tăng cường trong thời gian tới”.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chỉ rõ, tình trạng xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân chính là một biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức. Đây là nguyên nhân, là"chất" bào mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Trong khi đó, trước yêu cầu phát triển ngày càng cao, các vấn đề xã hội nảy sinh và thay đổi khó lường, thì việc khiếu kiện, tố cáo và các yêu cầu khác của người dân ngày càng nhiều hơn.
Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng chính sách bồi hoàn đất đai, tôn giáo, dân tộc để kích động, làm mất ổn định trật tự xã hội, gây khó khăn trong bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương. Chính vì vậy, tăng cường đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng./.