Lao động bỏ trốn: Con sâu làm rầu nồi canh!
Quyết liệt chấn chỉnh tình trạng lao động bỏ trốn để không làm xấu đi hình ảnh lao động Việt Nam, phá hỏng chương trình quốc gia về xuất khẩu lao động
- Lao động bất hợp pháp: Hệ luỵ lâu dài
- Bài 1: Những tín hiệu chẳng thể lạc quan!
- Bài 2: Tại anh, tại ả, tại cả... 3 bên!
- Bài cuối: Những nỗ lực để ổn định thị trường
Trước tình trạng người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc hết hạn hợp đồng bỏ trốn gia tăng, phía Hàn Quốc đã quyết định hoãn kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng Hàn đợt tháng 8 vừa qua. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, nguy cơ mất thị trường xuất khẩu trọng điểm này là rất lớn. Thiệt hại về kinh tế đã đành, hình ảnh, uy tín quốc gia cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.
Lao động Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc (Ảnh: Lê Hằng) |
Việt Nam là quốc gia có nhiều lao động được tiếp nhận nhất trong 15 quốc gia phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, nhưng cũng là nước đứng đầu về số lao động bỏ trốn, không về sau khi hết hợp đồng.
Nghe ông Phan Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin về thực trạng người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc: |
Việc hoãn đợt kiểm tra tiếng Hàn vừa rồi của phía Hàn Quốc là lời cảnh báo cho tình trạng bỏ trốn đã tới mức đáng báo động của người lao động Việt Nam. Hiện Chính phủ Hàn Quốc đang áp dụng những biện pháp cứng rắn với lao động bất hợp pháp, như phạt nặng cả chủ doanh nghiệp sử dụng lao động “chui” cho đến người lao động, với mức phạt tính theo tiền Việt lên tới khoảng 700 triệu đồng, hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng.
Những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi bị trục xuất sẽ không bao giờ được quay trở lại nước này làm việc. Vì vậy, cơ hội tìm được việc làm của người lao động bỏ trốn là rất thấp, cùng với việc phải đối mặt với những rủi ro pháp lý nghiêm trọng do bản thân họ tạo ra. Những khoản người lao động trông mong kiếm được khi ở lại, sẽ không nghĩa lý gì nếu họ vướng vòng lao lý của nước sở tại.
Từ tháng 6/2011, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nước ta cũng hết sức quyết liệt triển khai Đề án “Chống lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc”. 3 địa phương có đông người lao động bỏ trốn đã bị hoãn việc đưa người đi theo hợp đồng. Khoảng 22.000 lao động đang chờ cơ hội đi lao động ở Hàn Quốc, có người đã hoàn thành thủ tục visa, vé máy bay… đã bị vạ lây vì hành động bỏ trốn của những người đi trước.
Nếu không hành động quyết liệt, tình trạng lao động bỏ trốn gia tăng, chỉ còn vài tháng nữa, vào ngày 1/1/2012, Bộ Lao động Hàn Quốc cấp chỉ tiêu cho lao động nước ngoài, nguy cơ đánh mất thị trường này là rất lớn.
Hiện nay, các chương trình đưa người đi lao động ở nước ngoài có mức phí dao động từ gần 13 triệu đồng (ở thị trường Hàn Quốc) đến khoảng 40 triệu đồng (thị trường Nhật Bản). Ấy vậy nhưng gia đình của nhiều người lao động cho hay, phải chạy vạy, tốn phí hàng trăm triệu đồng để con em đi xuất khẩu lao động, tốn như vậy, phải tìm cách “gỡ” lại, kiếm thêm. Đó là một nguyên nhân cơ bản khiến người lao động bỏ trốn ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn.
Từ thực tế này, các cơ quan chức năng phải quyết liệt rà soát, ngăn chặn, tuyên truyền, cảnh báo cho người dân về các chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các “cò” lao động. Chấn chỉnh, xử lý tiêu cực trong việc làm hồ sơ cho người lao động đi nước ngoài.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần đưa vào chương trình bồi dưỡng cần thiết cho người lao động một số kiến thức pháp luật cơ bản, nêu cao ý thức, lòng tự tôn dân tộc khi đi ra nước ngoài. Ngoài việc chấp hành luật pháp nước sở tại, lao động tìm nguồn thu nhập cho gia đình, mỗi người lao động hãy là một đại sứ người Việt, giới thiệu cho bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Không cần những đòi hỏi gì cao siêu: lao động chăm chỉ, có ý thức kỷ luật tốt, sống hòa đồng, thân thiện... đó đã là cách thức giới thiệu hết sức tự nhiên về người lao động Việt Nam.
Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, hàng năm gửi về nước gần 2 tỷ USD. Riêng lao động từ Hàn Quốc mỗi năm gửi về khoảng 700 triệu USD. Số tiền này chưa phải là nhiều nếu so sánh với những quốc gia có đông lao động làm việc ở nước ngoài, nhưng rất có ý nghĩa trong việc xóa đói giảm nghèo ở nước ta.
Lao động Việt Nam tại nước ngoài làm việc trong nhiều lĩnh vực, từ việc giản đơn, cho đến công nghệ cao... Tại nhiều nơi, lao động Việt Nam được đánh giá cao. Như nhận xét mới đây của ông Takeshi Fukuda, Chủ tịch Nghiệp đoàn Kanto (Nhật Bản), doanh nghiệp tiếp nhận chính tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc tại Nhật Bản: Giới chủ Nhật Bản rất thích lao động Việt Nam. Đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, thích nghi nhanh với công việc của lao động Việt Nam khiến họ ngày càng được nhiều chủ sử dụng Nhật Bản lựa chọn.
Quyết liệt chấn chỉnh tình trạng lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc, là không để “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh lao động Việt Nam ở nước ngoài, phá hỏng chương trình quốc gia về xuất khẩu lao động.
Về lâu dài, cần có những chương trình cụ thể, khai thác nguồn lao động từ nước ngoài trở về, bởi đây là nguồn nhân lực được huấn luyện, đào tạo, có ý thức, tác phong công nghiệp, là nguồn lao động bổ sung hiệu quả cho các ngành sản xuất - dịch vụ trong nước, đang rất khát nhân lực có trình độ./.