Việt Nam trong tuần:

Liên tiếp 2 vụ tai nạn giao thông thảm khốc

(VOV)-Vụ tai nạn thảm khốc ở Khánh Hòa và Quảng Nam, vụ cháy tại cây xăng ở Hà Nội... thu hút sự quan tâm của nhiều người trong tuần qua

Công bố Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XI

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường" (Nghị quyết số 24-NQ/TƯ) và "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" (Nghị quyết số 25-NQ/TƯ).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 7 (Ảnh: TTXVN)
Nghị quyết về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường" đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020, về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Mục tiêu nêu trong Nghị quyết “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 4

Tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra Ðối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 4. Ðoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng  Quốc phòng dẫn đầu.

Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ tư

Hai đoàn đại biểu đã thảo luận về tình hình an ninh khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Về quan hệ giữa hai nước, hai quân đội Việt Nam, Trung Quốc cũng như tình hình trên biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, việc xây dựng lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước sẽ vun đắp cho lòng tin chiến lược giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đề xuất những phương hướng hợp tác quan trọng giữa quân đội hai nước thời gian tới là tham mưu cho hai Đảng, hai Nhà nước; kiên trì giải quyết thỏa đáng tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, hiệp thương hữu nghị, xuất phát từ "tầm cao chiến lược", "đại cục" trong quan hệ song phương.

Hai bên đã ký thỏa thuận xây dựng đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị WEF Đông Á

Trong tuần, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2013 đã diễn ra tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar với sự tham dự của hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các Chính phủ, các tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội đến từ 55 nước trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới uy tín này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị WEF Đông Á 2013 (ảnh: Nhật Bắc/Chinhphu.vn)

Đây là lần thứ 22 Diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức và là lần đầu tiên diễn ra tại Myanmar. Sự kiện này thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng quốc tế trước những bước cải tổ mạnh mẽ của Myanmar trên cả 3 trụ cột chính trị-kinh tế- xã hội và cũng là minh chứng sinh động về bước phát triển năng động của Đông Á nói chung và đặc biệt là của ASEAN.

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh diễn đàn năm nay đặt trọng tâm vào hội nhập khu vực và chuyển đổi là một lựa chọn phù hợp và rất đúng thời điểm. Đó là sự gắn kết chặt chẽ giữa hai quá trình này và sự cấp thiết phải có những bước đi mạnh mẽ để giúp mỗi quốc gia và cả khu vực vượt qua khó khăn, thách thức. 

Cùng với khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng với Myanmar và các nước thành viên khác, tăng cường hợp tác, liên kết, kết nối trên các lĩnh vực để cùng có lợi, cùng phát triển, đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh một cấu phần không thể thiếu của quá trình toàn cầu hóa, đó là nỗ lực tăng cường hợp tác, kết nối và liên kết kinh tế giữa các nước lục địa ASEAN hay khu vực Mekong, nhất là việc hình thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia, gắn kết giữa khu vực Nam Á, Trung Á với Đông Á, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ biển, hải đảo Việt Nam 

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới biển, đảo quê hương năm 2013, tại biển Thiên Cầm (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm Ngày đại dương thế giới và Tuần lễ biển, hải đảo Việt Nam năm 2013.

Đông đảo quần chúng nhân dân tham gia lễ mít tinh Tuần lễ biển, hải đảo Việt Nam 2013

Tại đây, khẳng định vị trí, vai trò và tiềm năng của biển và hải đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trong các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc; khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn và thực hiện Luật Biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển theo hướng hiệu quả và bền vững. 

Trước đó, tại TP.Hà Tĩnh cũng đã diễn ra chương trình Diễn đàn thương hiệu biển Việt Nam lần thứ V và Diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ IV.

Chương trình truyền trực tiếp “Biển đảo của chúng ta” tại hai đầu cầu là thủ đô Hà Nội và đảo Trường Sa cũng đã được tổ chức trên kênh VTV1. Đây là chương trình cầu truyền hình đầu tiên từ đất liền với đảo Trường Sa lớn. Trong khuôn khổ chương trình còn có cuộc vận động “Cùng chia sẻ cảm xúc về biển đảo quê hương”.

Cũng trong tuần, Festival Biển Nha Trang 2013 đã diễn ra tại thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa  với nhiều hoạt động sôi động hướng về biển đảo.

Liên tiếp 2 vụ tai nạn thảm khốc, hơn 50 người thương vong

Vụ tai nạn xảy ra ngày 7/6, trên địa bàn xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa làm 7 người thiệt mạng, 21 người bị thương, trong đó có 3 người bị chấn thương sọ não (đang trong tình trạng nguy kịch).

Chiếc xe này mang biển số 43S-6320 chở đoàn giáo viên Trường tiểu học Hòa Phước 2 (Hòa Vang, Đà Nẵng) và người nhà đi du lịch. Nguyên nhân vụ tai nạn bước đầu được xác định là do xe khách chạy nhanh, khi đổ đèo bị mất thắng đâm thẳng vào vách núi.

Được tin vụ tai nạn, đoàn công tác của UBND thành phố Đà Nẵng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang, đại diện Trường tiểu học Hòa Phước 2- nơi các giáo viên đang công tác đã có mặt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để thăm hỏi, động viên người bị nạn; đồng thời có phối hợp cùng gia đình người bị nạn để lo hậu sự cho những nạn nhân tử nạn.

Hậu quả của vụ tai nạn tại Khánh Hòa chưa kịp khắc phục thì trong sáng nay (9/6), lại xảy ra vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam. Xe khách loại 50 chỗ của Công ty Mai Linh BKS 30X-8957 chạy chuyến Bến xe Buôn Ma Thuột về TP.Đà Nẵng, lưu thông trên tuyến QL1A khi qua đoạn thị trấn Vĩnh Điện thì xe bất ngờ tông vào ta luy hướng cùng chiều và rơi xuống hố sâu hơn 8 m làm 3 người chết và 22 người bị thương.

Liên tục xảy ra cháy lớn tại Hà Nội

Trong tuần qua, người dân Hà Nội kinh hoàng khi chứng kiến vụ cháy tại cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo (Công ty xăng dầu quân đội - Trạm xăng dầu số 9, 2B Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

Vụ cháy đã làm 12 người bị thương, 2 căn nhà gần đám cháy đã bị lửa bén, bốc cháy và thiêu rụi...

Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do bất cẩn khi bơm xăng từ xe téc vào phao chứa tại Trạm xăng dầu đã làm xăng tràn từ xe téc ra ngoài. Sau đó, xăng lan ra khu vực nhà dân gần cạnh và bén lửa. Lửa lan ngược trở lại làm xe téc bùng cháy dữ dội, rồi cháy lan ra diện rộng. Có 2 căn nhà gần đám cháy đã bị lửa bén, bốc cháy và thiêu rụi trong chốc lát. Ngoài ra, vụ cháy làm 1 xe ô tô và cả chục xe máy cháy trơ khung.

Vụ cháy đã làm 12 người bị thương, gồm những cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm nhiệm vụ và một số nhân viên của cây xăng.

Chỉ vài ngày sau vụ cháy cây xăng, ở Hà Nội lại xảy ra cháy lớn ở cung thiếu nhi, khu vui chơi giải trí gần Cung Thể thao dưới nước, đối diện sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, khói bốc lên cao hàng chục mét. Rất may đám cháy đã được các lực lượng chức năng kịp thời dập tắt.

Tiếp đó, ngày 8/6, ngọn lửa bất ngờ bùng cháy dữ dội tại khu nhà để vật liệu xây dựng của một đơn vị thi công trong khu vực Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài. Khói đen bốc lên cuồn cuộn, bao phủ một khu vực lớn. Ngay lập tức, Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội đã điều động lực lượng, xe cứu hỏa đến hiện trường để khống chế, dập tắt đám cháy.

Các vụ cháy liên tục chỉ trong vòng 1 tuần là lời cảnh báo về việc mất an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn Hà Nội trong thời gian gần đây./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên