Lời cảnh báo tích cực từ “Ngày tận thế”
(VOV) -Một thông điệp hàm chứa trong nó tiếp tục được phát ra. Đó là lời cảnh báo nghiêm khắc nhất để bảo vệ Mẹ Trái đất.
NASA, cơ quan nghiên cứu vũ trụ hàng dầu thế giới đã chính thức thông báo sẽ chẳng có ngày tận thế nào cả. Khi phân tích chi tiết về cái được gọi là “lời đồn huyền thoại” xung quanh cuốn lịch của người Maya, các nhà thiên văn học và chuyên gia nghiên cứu tiểu hành tinh của NASA phủ nhận một khả năng có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả nhân loại bao gồm vụ va chạm với hành tinh tưởng tượng được gọi là Nibiru, sự va chạm với sao chổi hay mặt trời sẽ thiêu đốt trái đất.
Tiến sĩ John Carlson, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thiên văn học cổ đại, người đã nghiên cứu về thời điểm 21/12/2012 trong suốt 35 năm qua giải thích "Nó giống như một đồng hồ đo lường trên ô tô, khi chạy đến mốc cuối cùng nó sẽ trở lại điểm xuất phát để đi tiếp. Ngày 21/12, đơn giản chỉ là điểm kết thúc của cuốn lịch cổ đại này”.
Vậy là trái đất vẫn bình yên! Nhưng câu chuyện “Ngày tận thế” không vì thế mà chấm dứt. Một thông điệp hàm chứa trong nó tiếp tục được phát ra. Đó là lời cảnh báo nghiêm khắc nhất để bảo vệ Mẹ Trái đất.
Không chỉ có lời cảnh báo của bộ tộc người Maya cổ đại mà các nhà làm phim Holywood cũng đã tốn không ít tiền của để làm bộ phim có tên 2012 (còn gọi là phim Ngày tận thế), hay phim “Quái vật khổng lổ” đang chiếu trên kênh HBO, Star Movies của truyến hình cáp. Thông điệp của họ, không gì khác: Hãy cứu lấy trái đất trước khi quá muộn!
Bảo vệ Mẹ thiên nhiên, Mẹ trái đất, bảo vệ môi trường sống của muôn loài, bảo vệ tầng ô –zôn, bảo vệ tầng khí quyển, bảo vệ lá phổi của loài người… đó là những chương trình hành động khẩn cấp từ nhiều thập kỷ nay của Liên Hợp Quốc, của các tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế, của các quốc gia có trách nhiệm, của những người có trái tim cháy bỏng, có ý chí cháy bỏng bảo vệ màu xanh của hành tinh này.
Bộ máy truyền thông khổng lồ của cả thế giới cũng phải “đốt” biết bao giấy mực để cảnh báo, thậm chí để “đe dọa” con người về hiểm họa do chính con người gây nên. Thế nhưng, các lỗ hổng của tầng ô zôn vẫn ngày càng phình to, những núi băng đang ngày càng thu nhỏ, bầu khí quyển ngày càng uế tạp, những cánh rừng già ngày càng trơ trụi, những cánh đồng sa mạc hóa, những con sông không còn …chở nặng phù sa.
Trong một báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết, lượng CO2, loại khí gây nên hiệu ứng nhà kính, đã đạt đến mức kỷ lục là gần 200 tỷ tấn, đang tồn tại trong bầu khí quyển. Lượng CO2 này đóng góp 85% vào “cưỡng bức bức xạ” – nguyên nhân làm tăng nhiệt độ toàn cầu và tác động đến tất cả các khía cạnh của sự sống trên trái đất.
Theo số liệu của Trung tâm dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ, tính đến tháng 9 năm nay, chỏm băng ở bắc cực đang tan nhanh, hiện chỉ còn 2,1 triệu km2, mức thấp nhất kể từ trước đến nay.
Đó là chưa kể tới các loại hóa chất độc hại, được sử dụng tràn lan và biết bao nhiêu bom đạn được kích nổ trong các cuộc chiến tranh trên khắp thế giới.
Vậy mà, những sự thật rùng mình đó, dường như vẫn chưa đủ sức cảnh báo, chưa đủ sức “đe dọa” con người thức tỉnh.
Loài người vẫn đang chìm trong cơn mê dại làm giàu, quyền lực, thống trị, tàn phá thiên nhiên để phục vụ cho thói ích kỷ của chính mình.
Nhiều tập đoàn công nghiệp khổng lồ, không những không giảm thiểu việc thải khí CO2, mà trái lại còn đi mua thêm “tiêu chuẩn khí thải” ở những quốc gia còn “sạch”, để rồi lại “ung dung” thải khí độc lên bầu trời một cách …hợp pháp!?
Cảm ơn bộ tộc Maya cổ đại, cảm ơn những nhà làm phim tài ba Holywood , những nhà truyền thông, nhà bảo vệ môi trường quốc tế đã có những lời cảnh báo thật nghiêm khắc và hoàn toàn mang thông điệp tích cực đến với con người.
Trái đất vẫn bình yên. Nhưng…
Những người có trách nhiệm vẫn tin rằng, sẽ có ngày mọi sinh vật trên hành tinh này sẽ không còn cơ hội sống sót, nếu các quốc gia, các nhà lãnh đạo trên thế giới và cả những con người bình thường nhất không quyết liệt hành động để bảo vệ môi trường trái đất ngay từ ngày hôm nay bằng những việc làm cụ thể, như việc gom các mẩu thuốc lá bên bờ Hồ Gươm của Thủ đô Hà Nội, mà một nhóm người vẫn đang làm vào mỗi sáng chủ nhật./.