Lợi dụng tự do ngôn luận để chống phá là không thể chấp nhận
(VOV) -Hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật, không chỉ Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào cũng không thể chấp nhận.
Gần đây, một số cơ quan, tổ chức nước ngoài đua nhau lên án việc Việt Nam xét xử 3 blogger Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần với luận điệu rằng bản án này “quá nặng” và “không nhất quán” với một số thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Đây là những cáo buộc không chính xác khi mà quyền tự do ngôn luận được ba blogger này lợi dụng nhằm chống phá nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trước hết phải khẳng định rằng, quyền tự do ngôn luận được pháp luật Việt Nam công nhận và được ghi tại Điều 69 của Hiến pháp.
Trên thực tế, quyền này được đảm bảo và thực thi ở Việt Nam. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và nhân dân trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Chính vì vậy, những cáo buộc về việc Việt Nam không đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đặc biệt là trong vụ xét xử 3 blogger là không có căn cứ.
Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm… và bày tỏ qua mọi phương tiện truyền thông”.
Tuy nhiên, cũng trong chính văn bản này, tại Điều 29 cũng khẳng định rõ rằng “trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người phải chịu những hạn chế do luật định… nhằm thỏa mãn… những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung”.
Như vậy rõ ràng, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là bị giới hạn bởi các quy định của luật pháp.
Đối chiếu vào trường hợp ba blogger Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần thì rõ ràng là ba đối tượng này đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, chính sách phát triển công nghệ thông tin và việc tạo điều kiện để người dân được bày tỏ quan điểm cũng như tiếp cận thông tin một cách đa dạng của nhà nước Việt Nam.
Ba blogger này còn thể hiện rõ sự thiếu thiện chí trước chính sách tích cực và cởi mở của Nhà nước.
Mới đây, phản ứng trước bộ phim của một người Mỹ nhạo báng Đạo Hồi, Tổng thư ký LHQ Ban Ki moon đã chỉ rõ rằng: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chỉ được bảo vệ khi nó được dùng vào các mục đích công lý và phục vụ cộng đồng. Còn các bằng chứng về hành vi của ba blogger này đã cho thấy họ đã xuyên tạc, châm biếm nhằm chống lại các cá nhân và cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Do đó, các hành vi này đáng bị lên án.
Hàng trăm trang tài liệu có nội dung tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam đã được ba đối tượng này phát tán trên mạng.
Hành vi này rõ ràng là đã vi phạm pháp luật của Việt Nam mà cụ thể là Điều 88 của Bộ Luật hình sự.
Trên cơ sở đó, việc đưa ba blogger này ra xét xử là hoàn toàn dựa trên căn cứ của pháp luật. Quá trình điều tra, xét xử ba blogger này cũng được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục của pháp luật Việt Nam. Vì thế việc cho rằng bản án “quá nặng” là cáo buộc không có cơ sở, không dựa trên căn cứ pháp luật.
Cũng giống nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam công nhận và đảm bảo việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những hành vi lợi dụng các quyền này mà vi phạm pháp luật thì không chỉ Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều không thể chấp nhận.
Điều 18 Hiến pháp CHLB Đức ghi rõ: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”.
Chính vì vậy, việc Việt Nam xét xử 3 blogger Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần là hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam, tập quán cũng như các quy định quốc tế.
Việc phản đối vụ xét xử này là sự cố tình can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, can thiệp vào quá trình tư pháp vốn dĩ cần phải được tôn trọng và tiến hành một cách độc lập. Vì thế, các hành động này không được hoan nghênh./.