Lợi ích quốc gia phải đặt lên hàng đầu
Ưu đãi đúng lúc, đúng đối tượng mới phát huy hiệu quả. Đây cũng là sự nhắc nhở các địa phương, cần phải “thông, thuộc” định hướng phát triển chung
Trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá ảm đạm 8 tháng qua, chuyện thương lượng, dành cho nhà đầu tư nước ngoài những ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư vẫn tiếp tục được nhiều địa phương âm thầm tiến hành, với mục tiêu làm đẹp con số báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của năm.
Đầu tư là điều khoản cấn thiết nhưng không phải bằng mọi cách |
Thời gian qua, đã có 2 địa phương được Chính phủ chính thức chỉ đạo không chấp thuận ưu đãi đầu tư với một số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Có thể thấy, quan điểm không chấp nhận các biểu hiện “xé rào”, thu hút đầu tư bằng mọi giá đã được thể hiện rõ.
Đầu tiên là chuyện đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh với Chính phủ về các chính sách ưu đãi cho dự án của tập đoàn Nokia đầu tư trên địa bàn theo quy chế ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao. Trong dự án này, Nokia thành lập Công ty TNHH Nokia Việt Nam để sản xuất, gia công và lắp ráp điện thoại di động tại khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh. Chính phủ đã có văn bản trả lời: Bắc Ninh cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp này như đối với một doanh nghiệp chế xuất. (Tất nhiên là mức ưu đãi sẽ rất khác, ít hơn so với doanh nghiệp công nghệ cao như Nokia đề xuất).
Một câu chuyện khác ở TP HCM. Trước tờ trình của UBND thành phố về việc ưu đãi tiền thuê đất cho Tập đoàn First Solar, khi triển khai dự án đầu tư sản xuất pin mặt trời ở Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo thành phố hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính về đất đai. Như vậy, sẽ không có ưu đãi khi doanh nghiệp chưa hội đủ các điều kiện doanh nghiệp công nghệ cao, theo Luật công nghệ cao được quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2009.
Thái độ kiên quyết của Chính phủ với những dự án vừa nêu, một lần nữa làm chúng ta nhớ tới đợt rà soát lớn cách đây 6 năm, khi Luật Đầu tư 2005, hay được gọi là Luật Đầu tư chung chính thức có hiệu lực. 32 địa phương đã bị Chính phủ cảnh cáo về việc xé rào đầu tư, ưu ái doanh nghiệp, kể cả trong nước và nhà đầu tư nước ngoài quá mức, trước khi Luật Đầu tư chung có hiệu lực. Các quyết định ưu đãi đầu tư “vượt rào” của các địa phương đã bị hủy bỏ trước ngày 1/1/2006. Tuy nhiên hậu quả để lại của những chính sách xé rào đó, vẫn rất nặng nề. Ngân sách Nhà nước giảm thu, trong khi phần nhiều trong số các tỉnh có chính sách ưu đãi đầu tư trái luật lại là những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.
Chuyện cũ, ở bối cảnh cũ khác xa với hiện tại, khi Luật Đầu tư chung đã thực hiện được 6 năm. Để bảo đảm chính sách nhất quán về đầu tư, không để tình trạng tạo ra các tiền lệ “ưu đãi” đặc biệt từ các địa phương, chỉ vì lợi ích của địa phương mà không tính đến lợi ích quốc gia, Chính phủ đã có thái độ dứt khoát. Chiến lược phát triển quốc gia 10 năm tới dần được cụ thể hóa bằng chính sách, quy định pháp luật. Những lĩnh vực được ưu tiên, ưu đãi đầu tư đã được quy định rõ, và là định hướng cho các luồng vốn đầu tư, phát triển theo hướng tăng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ưu đãi đúng lúc, đúng đối tượng mới phát huy hiệu quả. Đây cũng là sự “nhắc nhở” các địa phương, cần phải “thông”, phải “thuộc” định hướng phát triển chung, để có những chính sách, quyết định hợp lý.
Việc thất bại của ngành công nghiệp điện tử, cho dù có cả chục năm với rất nhiều chính sách ưu đãi là bài học lớn cho việc thu hút, ưu đãi đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực điện tử, đơn thuần chỉ là việc lắp ráp, không đào tạo, cũng chẳng chuyển giao công nghệ. Khi hết ưu đãi, những tên tuổi lừng danh như SONY ngừng sản xuất, trở thành nhà nhập khẩu, phân phối hàng điện tử vào Việt Nam. Vậy nên đến giờ có thể nói chúng ta vẫn chưa có công nghiệp điện tử. Không hẳn những tính toán của các nhà đầu tư nước ngoài không được nhìn nhận ra, nhưng chính vì chỉ để có nhà đầu tư tới, các địa phương, Bộ ngành có trách nhiệm tham vấn cho Chính phủ đã không dũng cảm nêu ra những “quanh co, lắt léo” này.
Câu chuyện lợi ích nhóm, từ cá nhân, doanh nghiệp, cho đến ngành, địa phương lâu nay đã là một thách thức, rào cản cho sự phát triển chung. Đây cũng là thách thức lớn trong điều hành của Chính phủ. Mục tiêu dài hạn là rõ ràng, nhưng sẽ rất khó thực hiện mục tiêu nếu các chính sách, hoặc việc thực hiện chính sách theo hướng vì lợi ích nhóm. Cho nên, một lần nữa cần nhắc: “Lợi ích quốc gia phải đặt lên hàng đầu”./.