Lợi ích riêng phá rào quy hoạch

Tại sao không “thà một lần đau”, bác bỏ các dự án phát sinh sau quy hoạch và buộc những người cố tình làm sai chịu trách nhiệm?  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa thêm khoảng 30 sân golf nằm ngoài quy hoạch vào quy hoạch sân golf đến năm 2020. Và ngay ở thời điểm này, dư luận lại xôn xao khi nhiều tỉnh đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng thêm sân bay, cảng biển, khiến nguồn vốn đầu tư phân tán, lãng phí, cho dù có những dự án vượt quy hoạch quốc gia. Đằng sau những câu chuyện này cho thấy rất rõ sự chi phối của lợi ích cục bộ địa phương trong các quy hoạch, tạo nhiều tiền đề và hệ lụy xấu trong quản lý kinh tế.

Trước tiên, nói về chuyện các địa phương cố tình vượt rào quy hoạch sân golf đến năm 2020. Nếu tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch này cuối năm 2009 thì đến nay chưa đầy 2 năm. Thế nhưng không hiểu bằng cách nào đó, cả nước vẫn mọc thêm 27 sân golf?

Phải chăng, các Bộ, ngành có tầm nhìn hạn chế, đề xuất quy hoạch sân golf thiếu tính thực tiễn, khiến chữ ký phê duyệt quy hoạch chưa ráo mực mà các địa phương đã phá rào, hay các địa phương biết có thể chạy để đưa được vào quy hoạch nên cố tình vượt rào?

Không hiểu bằng cách nào, cả nước vẫn mọc thêm 27 sân golf ngoài quy hoạch (Ảnh minh họa) 

Còn về câu chuyện cảng biển, sân bay, một lãnh đạo cấp tỉnh ở miền Trung mới đây tuyên bố, nhìn ra xung quanh thấy tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, đường cao tốc, thuận lợi cho phát triển du lịch và kinh tế cho nên vị lãnh đạo này khẳng định, khi có sân bay, cảng biển, đường cao tốc, tỉnh này sẽ “cất cánh”.

Rõ ràng kiểu tư tưởng cục bộ địa phương như vậy sẽ tạo ra những cuộc đua “phải xây”. Và câu chuyện này cho thấy, thiếu quy hoạch tổng thể hay quy hoạch yếu đều gây ra hệ lụy xấu. Các địa phương sẽ mạnh ai nấy làm, vì lợi ích cục bộ địa phương rồi tìm mọi cách xin cấp trên phê duyệt.

Trong khi đó, “cách làm quy hoạch” của chúng ta hiện nay cũng có những vấn đề đáng bàn. Quy hoạch quốc gia phải có tầm nhìn 30, 50 năm, thậm chí 100 năm. Nhưng quy hoạch cảng biển nước ta chỉ có tầm nhìn đến năm 2025, quy hoạch sân golf đến năm 2020…

Quy hoạch nếu quá ngắn hạn, không những không định hướng được thực tiễn mà còn chạy theo thực tiễn. Trong khi hiếm có tỉnh nào lại ngồi lại với tỉnh bạn để bàn quy hoạch chung. Có chăng chỉ là bàn trên bàn nghị sự, còn hợp tác thật lại là chuyện tương lai. Vì thế mà ở Miền trung, cả một chuỗi cảng biển rời rạc khắp các tỉnh, nhưng thiếu cảng lớn tầm quốc gia, quốc tế, trong khi địa thế thì được coi là không thể chê vào đâu.

Thêm một điểm yếu nữa trong công tác quy hoạch hiện nay là “sự dễ dãi trong quy hoạch”, khiến quy hoạch quốc gia nhiều khi chạy theo quy hoạch địa phương.

Hãy nhìn vào câu chuyện sân golf. Mặc dù phát hiện gần 30 sân golf vượt quy hoạch, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đề xuất với Thủ tướng bổ sung số này vào quy hoạch. Kiểu xuề xòa, tặc lưỡi chấp nhận cái sự đã rồi ấy sẽ khiến quy hoạch, kế hoạch luôn thay đổi và thiếu hẳn tính ổn định.

Dư luận thì băn khoăn về sự hợp lý của quy hoạch, về sự thiếu tuân thủ quy hoạch của nhiều địa phương, đồng thời tạo tiền tệ xấu về “tình trạng nhờn quy hoạch”. Chẳng thế mà nhân đề xuất bổ sung quy hoạch sân golf của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị bổ sung thêm một sân golf vào quy hoạch quốc gia. Sẽ có địa phương tiếc đã không vượt rào quy hoạch rồi xin bổ sung quy hoạch!

Trách nhiệm đầu tiên trong chuyện vượt rào quy hoạch sân golf thuộc về lãnh đạo các địa phương. Thế nhưng, chưa thấy một đề xuất xử lý trách nhiệm các lãnh đạo địa phương đặt bút ký vào các dự án sân golf vượt rào.

Tại sao không “thà một lần đau”, bác bỏ các sân golf phát sinh sau quy hoạch và buộc những người cố tình làm sai chịu trách nhiệm? Như thế, vừa giúp phép nước nghiêm minh, vừa không để tồn tại bệnh nhờn quy hoạch từ nay về sau.

Rõ ràng, những tư tưởng và cách làm quy hoạch của nhiều lĩnh vực như hiện nay sẽ làm cho quy hoạch quốc gia thiếu đi tầm quốc gia. Câu chuyện sân golf, cảng biển, sân bay cho thấy, cần dẹp sự chi phối của tư tưởng lợi ích cục bộ địa phương ra khỏi những quy hoạch quốc gia, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Song song cũng cần một thái độ dứt khoát, kiên quyết với những vi phạm kiểu coi thường quy hoạch, làm trái quy hoạch của các địa phương để không tạo ra những hệ lụy xấu về kinh tế - xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên