Lỗi tại… ông trời!

Mỗi khi có vụ việc xảy ra do quản lý yếu kém, mỗi khi trách nhiệm khó đùn đẩy cho ai người ta lại qui cho… thời tiết!

Dư luận trong tuần trăn trở bởi câu chuyện đáng suy ngẫm khi vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) công bố với báo giới: “…từ nay đến 2012 nguy cơ thiếu điện không có cách gì giải được”. Ơ hay, từ trước đến nay, EVN được nhà nước giao trọng trách sản xuất và cung ứng điện cho cả nền kinh tế, ấy thế mà lại có thể tuyên bố, đến tận 2012 thiếu điện không thể khắc phục được và ngầm chỉ lỗi tại… ông trời không cho mưa lớn? Phải chăng, thiếu điện do lỗi… tại ông trời thật?

Lãnh đạo ngành điện những ngày này đang đau đầu vì nhiều hồ thủy điện không tích đủ nước để sản xuất điện. Lần đầu tiên trong 23 năm kể từ khi đi vào hoạt động, Thủy điện Hòa Bình không mở cửa xả lũ vì nước về quá ít. Căng thẳng điện không phải trong mùa khô nhưng ngành điện đang kêu cứu như trong mùa khô.

Hiện nay, EVN có 17 hồ thủy điện trên cả nước, nhưng đến thời điểm này hầu hết các hồ khu vực phía Nam không có nước về, nhiều hồ như Thác Mơ, Trị An, Hàm Thuận - Đa Mi ở mực nước chết. Trong khi đó, thủy điện hiện chiếm khoảng 6.500 MW trong tổng số hơn 19.000 MW công suất của toàn hệ thống điện.

Chính ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN tiếp tục cảnh báo, tình trạng hạn hán kéo dài sẽ là thảm họa không thể cứu vãn được đối với ngành điện. Chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2010, với tình hình này, kế hoạch phát điện cho năm 2011 khó có thể đảm bảo và gần như chắc chắn sẽ thiếu điện trong năm 2011.

Nếu đúng như ngành điện thông báo thì rõ ràng nguy cơ quá lớn. Nhưng ở một góc độ khác, người ta không thể không đặt câu hỏi Tại sao? Và ngành điện sao không có biện pháp phòng sự cố… thiếu nước? Rõ ràng, về lý mà nói, khi xây dựng hệ thống lưới điện của bất cứ quốc gia nào người ta cũng đều phải tính toán để có nhiều loại hình nhà máy điện khác nhau đề phòng sự cố và không quá lệ thuộc vào một loại nguyên nhiên liệu đầu vào nào đó. Cụ thể là phải có thủy điện để phòng khi giá dầu biến động, có nhiệt điện phòng khi khô hạn.

Ở nước ta, thủy điện chiếm gần 40% tổng sản lượng điện. Rõ ràng khi không có nước, phải thấy trước được phương án dự phòng là xây dựng các nhiệt điện chạy than, nhiệt điện chạy dầu hay chạy phí… để không bị động và rơi vào tình trạng thiếu điện. Vấn đề là các phương án này đã được tính toán và thực thi như thế nào thì vẫn chưa rõ, chỉ thấy hậu quả là thủy điện và gần 1 nửa hệ thống điện quốc gia đang phải “ăn đong” theo từng mét nước.

Thời gian gần đây dư luận đã từng sẻ chia với khó khăn của ngành điện, về việc căng thẳng điện mỗi khi vào mua khô, nhưng cũng không khỏi bức xúc về tình trạng nhiều dự án của ngành điện đầu tư dàn trải, tốc độ xây dựng chậm, một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính... Trong báo cáo ngày 12/7/2010 của Bộ Công thương cũng đã khẳng định, nguyên nhân cơ bản nhất của tình trạng thiếu điện hiện nay là do nhiều dự án nguồn chậm được đưa vào vận hành so với quy hoạch được duyệt trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng lớn đến cân đối cung cầu điện.

Các báo cáo về tiến độ vận hành các nguồn điện mới theo Tổng sơ đồ phát triển điện VI cho thấy, đến hết năm 2009, hệ thống điện phải đạt tổng công suất lắp đặt là 21.000MW. Trên thực tế, công suất này chỉ đạt 18.400MW và trong các tháng gần đây, tổng công suất phát điện thực tế chỉ trong khoảng 14.500 – 15.500MW. Nhiều dự án điện lớn như Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Mạo Khê, thuỷ điện Đồng Nai 3... đều bị chậm tiến độ so với quy hoạch đến gần hai năm.

Hậu quả của tình trạng đó chính là việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực bị chậm. Tính đến năm 2010, việc phát triển này chỉ mới đạt 74% nguồn điện so với yêu cầu. EVN được giao làm chủ đầu tư và góp vốn xây dựng 47 dự án nguồn điện nhưng chính tập đoàn này cũng thiếu vốn nên đã phải đề nghị Chính phủ giao 13 dự án nhiệt điện cho các đơn vị khác.

Đến lượt các nhà đầu tư ngoài EVN, do thiếu vốn, do thiếu kinh nghiệm, năng lực yếu dẫn đến việc tiến độ xây dựng nhiều nhà máy bị đình trệ. Thêm vào nữa là có sự phát triển “bùng nổ” của rất nhiều các nhà máy của 2 ngành là thép và xi măng… ngoài quy hoạch đã tiêu tốn một lượng điện không nhỏ, khiến cho cung cầu về điện mất cân đối, thiếu điện ngành càng trở nên trầm trọng hơn.

Vậy là rõ, thiếu điện không thể chỉ tại… ông trời như lãnh đạo EVN đã phát biểu. Không chỉ có EVN, chuyện đổ lỗi cho… ông trời còn tiếp diễn ở những câu chuyện nực cười khác ở những lĩnh vực, ngành nghề khác. Chiếc taxi 7 chỗ bỗng dưng bị sụp xuống hố sâu ở Quận 3, TP Hồ Chí Minh tuần trước đó, cũng được người ta lý giải là tại ông Trời mưa quá lớn làm nước kéo trôi cát đá dưới mặt đường gây sụt lún. Hay chuyện sửa chữa cầu Thăng Long bằng cách trải bê tông nhựa nóng… nhưng chỉ sau thời gian ngắn bị nứt nẻ, người ta cũng đổ lỗi cho ông Trời vì ông làm mưa nhỏ và sương mù nên nhựa đường không bám dính tốt với lớp chống thấm bên dưới...

Thế mới biết, mỗi khi có chuyện xảy ra, mỗi khi quản lý yếu kém, mỗi khi trách nhiệm khó đùn đẩy cho ai người ta lại qui cho… thời tiết. Chung qui là tại ông …Trời!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên