Lương tâm và trách nhiệm

Các vụ đắm tàu du lịch, chìm nhà hàng nổi trong thời gian gần đây đều có nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm và ý thức của chủ tàu, lái tàu và người phục vụ

Chiều 20/5 vừa qua, một trong hai chiếc tàu của Khu du lịch Dìn Ký (tỉnh Bình Dương) đang quay trở lại bến, cách bờ khoảng 100m bất ngờ gió lớn làm lật và chìm xuống sông Sài Gòn. 16 người, trong đó có 6 trẻ em đã thiệt mạng. Thảm hoạ thật thương tâm, nhưng không phải là cá biệt, bởi chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vụ chìm tàu du lịch, nhà hàng nổi đã xảy ra. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và lương tâm của những người điều khiển phương tiện.

Có quá nhiều câu hỏi được đặt ra trong vụ chìm tàu Dìn Ký, trong đó có câu hỏi muôn thuở: phao cứu sinh và các trang thiết bị cứu nạn cần thiết có được trang bị đầy đủ hay không? Với 1.400 km sông, kênh, rạch ở thành phố Hồ Chí Minh, có bao nhiêu tàu, thuyền hoạt động được cấp phép và đảm bảo đủ an toàn cho hành khách? Còn bao nhiêu bến tàu không phép, không đảm bảo an toàn? Bao nhiêu tàu, thuyền không đạt chuẩn theo quy định, không đăng kiểm, thường xuyên chở khách quá tải? Làm sao để không còn xảy ra những tai nạn thương tâm, hạn chế thiệt hại cả về người và của?...

Ở nước bạn, một tài xế ôtô chở khách bị sa thải sau khi bị bắt quả tang sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe. Lý do đưa ra rất đơn giản, lái xe đó đã đặt sinh mạng mình và sinh mạng hàng chục hành khách trên xe vào tình huống nguy hiểm nên không được phép tiếp tục hành nghề. Đây chính là câu chuyện về trách nhiệm và đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Cũng từ vụ chìm tàu Dìn Ký, có hai vấn đề cần được quan tâm.

Thứ nhất là trách nhiệm. Trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp phép, định kỳ kiểm tra an toàn; trách nhiệm của chủ tàu trong việc trang bị đủ các phương tiện đảm bảo an toàn cho hành khách; trách nhiệm của chủ tàu, thuyền trưởng và những người phục vụ khi xảy ra sự cố. Sau khi xảy ra tai nạn đối với tàu Dìn Ký, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định tiến hành tổng kiểm tra lại hoạt động của các tàu nhà hàng cũng như tàu cánh ngầm trên địa bàn, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ những phương tiện không đảm bảo an toàn cho hành khách trong tháng 6 tới.

Nhưng vấn đề ở chỗ, không phải đến lúc sự việc xảy ra mới tìm và quy trách nhiệm cho những người liên quan. Lúc gặp nạn, tàu Dìn Ký đã hết hạn kiểm định từ 28/1/2011, bến tàu của Khu du lịch Xanh Dìn Ký hiện hoạt động không giấy phép. Vì thế, điều cần làm là thường xuyên tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát phương tiện, người điều khiển phương tiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và nâng cao trách nhiệm cho mọi công dân, ngăn chặn những tình huống thiếu trách nhiệm có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Thứ hai là vấn đề lương tâm và đạo đức. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy lái tàu Dìn Ký không có bằng lái. Những người thoát chết trên tàu là thuyền trưởng và nhân viên phục vụ. Không trách họ đã cố gắng thoát thân, bởi đó là bản năng sinh tồn. Song, trong khoảnh khắc ấy, nếu như họ ý thức được trách nhiệm của mình, họ có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, không bỏ mặc hành khách khi xảy ra sự cố thì chắc rằng hậu quả đã không lớn như thế. Điều đáng nói là các vụ đắm tàu du lịch, chìm nhà hàng nổi xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đều có nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm trong khâu thiết kế kỹ thuật và ý thức của chủ tàu, lái tàu và người phục vụ để rồi dẫn đến việc bao người chết thương tâm.

Tai nạn xảy ra, lỗi có thể do chủ quan hay khách quan, do con người hoặc thiên nhiên, vấn đề ở chỗ là làm sao hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra tai nạn, và khi tai nạn không may xảy ra thì ứng xử như thế nào. Không có cách nào khác là nâng cao trách nhiệm và lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của những người trong cuộc. Lời cảnh báo đã rõ ràng, chỉ còn chờ hành động của mỗi người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên