Hội nghị TW 3, khóa XI:

Mệnh lệnh gia tốc cải cách

Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, nhưng có thể nói, chưa bao giờ quyết tâm chính trị về việc đẩy nhanh cải cách kinh tế lại cao như hiện nay

Hai ngày nay, dư luận đặc biệt chú ý đến kết quả của Hội nghị TW 3, Khóa XI. Bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhanh chóng trở thành tâm điểm truyền thông bởi một quyết tâm rất mạnh mẽ là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Có thể coi đây là mệnh lệnh phải gia tăng tốc độ cải cách kinh tế trước đòi hỏi bức thiết của thực tiễn.

Gia tăng tốc độ cải cách kinh tế là định hướng Hội nghị TW 3, Khóa XI đề ra (Ảnh minh hoạ)

Một bài phát biểu hay, đánh giá rất đúng tình hình kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cũng thể hiện rõ những trọng tâm lãnh đạo hành động của Ban Chấp hành TW Đảng, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới kinh tế. Đó là ấn tượng mạnh nhất mà các tầng lớp nhân dân, trong đó có giới kinh tế, cảm nhận được qua bài phát biểu kết thúc Hội nghị TW 3, khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ấn tượng là vì, những vấn đề thời sự nóng và bức xúc như lạm phát cao, nợ công tăng nhanh, dự trữ ngoại hối mỏng, thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình đốn… vốn được báo chí, các chuyên gia kinh tế cảnh báo liên tục, đã được Trung ương nhìn nhận, phân tích trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để thấy thấy rõ thực trạng.

Trên cơ sở đánh giá đúng những nguyên nhân gây ách tắc cho tăng trưởng và phát triển, Ban Chấp hành Trung ương đặt trọng tâm hành động vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là: Tái cấu trúc với trọng tâm là đầu tư công; Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính; Tái cấu trúc lại doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước.

Quả thực, đây là ba lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều yếu kém, bất cập.

Như chúng ta đều biết, nhiều năm trở lại đây, đầu tư công liên tục tăng cao, chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP nhưng hiệu quả đầu tư liên tục giảm, thể hiện ở chỉ số ICOR tăng cao một cách không bình thường. Nguồn lực quốc gia như vậy đang bị lãng phí do yếu kém, bất cập ở khâu quản lý, điều hành, ra quyết định. Đầu tư không hiệu quả cũng làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế hay nói cách khác là sức cạnh tranh quốc gia trong phân công lao động toàn cầu.

Thêm nữa, những trồi sụt, bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ, đặc biệt là hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại đang bộc lộ nhiều điều đáng quan ngại. Đó là tình trạng chạy đua lãi suất vô lối, cạnh tranh không lành mạnh, đầu tư bất cân đối, đặc biệt là đầu tư vào quá nhiều vào bất động sản, không chấp hành nghiêm pháp luật cũng như mệnh lệnh điều hành của các cơ quan quản lý. Những biến động bất lợi ở thị trường bậc cao này, chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, vấn đề nóng bỏng không kém là tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty. Lâu nay, dư luận đặc biệt quan ngại về hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế này cũng như việc thực hiện vai trò dẫn dắt và định hướng cho cả nền kinh tế. Tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát vốn, thua lỗ nhiều, nợ đọng lẫn nhau của nhiều doanh nghiệp… không chỉ là sự lãng phí nguồn lực quốc gia, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tính bình đẳng và minh bạch của môi trường kinh doanh nói chung.

Vấn đề đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước đã được đặt ra ngày từ khi chúng ta thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa. Tuy vậy, hơn 20 năm qua, tiến trình này chưa đạt yêu cầu như mong đợi, thậm chí có nhiều khúc quanh co. Nguyên nhân sâu xa vẫn là do lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi ích “nhóm” chi phối, trì níu.

Những yếu kém, bất cập vừa nêu đã và đang tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm giảm đi ý nghĩa của thành tựu tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội. Đây cũng là căn nguyên làm chậm quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thoát khỏi bẫy “quốc gia thu nhập trung bình”.

Chính vì thế, Hội nghị TW 3, khóa XI đã chỉ ra rất cụ thể những nguyên tắc chỉ đạo việc tái cấu trúc ba lĩnh vực trên. Mặc dù nhận định đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán trong nhiều năm, nhưng có thể nói, qua bài phát biểu của Tổng Bí thư, chưa bao giờ quyết tâm chính trị về việc đẩy nhanh cải cách kinh tế lại cao như hiện nay.

Vấn đề cần nhất lúc này là phải chuyển hóa quyết tâm đó thành các kế hoạch hành động cụ thể. Diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế trong nước và thế giới không cho phép bất kỳ ai làm chậm trễ quá trình này. Đây là con đường duy nhất giúp chúng ta đề kháng được trước những biến động lớn, bất ngờ từ bên ngoài, đồng thời đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới thực chất hơn, hiệu quả hơn và sáng tạo hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên