Mở lòng với nguyên khí quốc gia
Lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân với GS. Ngô Bảo Châu mới đây có ý nghĩa như một chỉ dấu khẳng định: Nguyên khí quốc gia, quốc sách giáo dục… là những việc làm cụ thể chứ không chỉ là câu chữ trong bảng vàng, bia đá
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tới nhà riêng thăm GS. Ngô Bảo Châu, cho dù trước đó vài hôm, tại Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, với tư cách Chủ tịch Hội đồng, Phó Thủ tướng cũng đã gặp và chúc mừng thành tích khoa học của anh.
Trong buổi viếng thăm tại nhà riêng, Phó Thủ tướng ngỏ ý mời GS. Ngô Bảo Châu trở về và tham gia Chương trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về toán học giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030 sắp được Chính phủ ban hành.
Chưa có câu trả lời từ phía GS. Ngô Bảo Châu, nhưng lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ là một chỉ dấu tích cực cho thấy Việt Nam luôn sẵn lòng và tạo mọi điều kiện cho trí thức ở nước ngoài
Trả lời câu hỏi Báo Thanh niên về khả năng GS. Ngô Bảo Châu nhận lời mời trở về Việt Nam, GS. Nguyễn Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện toán học, Chủ tịch Hội toán học nói: “Nếu về Việt Nam, nước ta không thể có điều kiện trả lương như nước Mỹ đang trả lương cho GS. Châu. Anh ấy không có một tập thể đồng nghiệp giỏi làm việc cùng để có thể trao đổi những ý tưởng như ở Trường Đại học Chicago (Mỹ). Việc có một tập thể những nhà toán học giỏi là lý do quan trọng nhất để GS. Ngô Bảo Châu chọn Đại học Chicago. Nếu GS. Châu về hẳn Việt Nam thì quan hệ hợp tác giáo dục với quốc tế sẽ bị giảm. Việc mời chuyên gia giỏi thế giới đến Việt Nam, giới thiệu sinh viên Việt Nam với những thầy giỏi ở nước ngoài sẽ không thuận lợi”.
Để có những phát minh khoa học cần có môi trường nghiên cứu khoa học. Trong một hội thảo bàn về bồi dưỡng nhân tài, cố GS. Nguyễn Văn Đạo đã đặt vấn đề: Nếu GS. Ngô Bảo Châu không được sinh hoạt khoa học ở các nước có nền khoa học tiên tiến như Pháp và Mỹ thì liệu có “bổ đề cơ bản”- công trình giúp GS. Ngô Bảo Châu trở thành ứng viên số 1 cho giải thưởng Field năm nay không?
Chính vì thế, chúng tôi chia sẻ và đồng cảm với suy nghĩ của GS. Nguyễn Tuấn Hoa. Trí thức là tài nguyên của một quốc gia, nhưng tri thức là của chung nhân loại. Bởi thế, dù nhà khoa học ở đâu trên trái đất này nhưng thành tựu khoa học mà họ gặt hái được cũng là thành tựu chung của loài người. Khoa học không có biên giới. Ở hải ngoại, nhưng nếu có tấm lòng thì bất kỳ người Việt nào cũng có thể giúp ích cho quê hương.
Trong chính sách, Việt Nam luôn coi kiều bào “là bộ phận máu thịt không thể tách rời với đồng bào trong nước.” Trong chuyến thăm Hoa Kỳ cách đây 2 năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói với bà con người Việt rằng: “Quê hương là vĩnh hằng, trong khi quá khứ đã là lịch sử”.
Còn cách đây 3 năm, trong buổi giao lưu trực tuyến giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với sinh viên, một sinh viên Việt Nam đang học ở nước ngoài hỏi về vấn đề trở về Việt Nam làm việc. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã trả lời rằng: “Các em cứ yên tâm học tập, nghiên cứu ở nước bạn cho thật giỏi. Khi nào cơ hội thuận lợi thì về Việt Nam đóng góp cho quê hương cũng chưa muộn”.
Xưa, tế tửu Quốc Tử Giám Thân Nhân Trung đã khắc vào bia đá Văn Miếu một câu nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Cách đây 64 năm, Hồ Chủ tịch kêu gọi tìm người tài đức trên Báo Cứu quốc. Lời kêu gọi này đăng trang trọng bên cạnh Hiến pháp bất hủ 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và đến hôm nay, trong số gần 90 triệu người dân Việt và hơn 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài chắc “cũng không thiếu người có tài, có đức”.
Có thể điều kiện, môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn bất cập và GS. Ngô Bảo Châu còn cân nhắc xem làm thế nào để giúp quê hương được nhiều nhất, nhưng lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa như một chỉ dấu khẳng định: Nguyên khí quốc gia, quốc sách giáo dục… là những việc làm cụ thể chứ không chỉ là câu chữ trong bảng vàng, bia đá./.