Mong đợi sự minh bạch
Người tiêu dùng cả nước kỳ vọng, Kiểm toán nhà nước sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh xăng dầu
Cuối tuần trước, Kiểm toán Nhà nước bắt đầu đợt kiểm toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu của 9 doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, đồng thời làm rõ việc quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với hai bộ Tài chính và Công thương. Đây là việc làm được người tiêu dùng cả nước hoan nghênh, đồng tỉnh ủng hộ và chờ đợi kết quả đợt kiểm toán này vào cuối tháng 8.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là khoản tiền được người tiêu dùng đóng góp khi mua một lít xăng, dầu (400 đồng đối với xăng, dầu là 300 đồng). Quỹ do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quản lý và sử dụng khi giá thế giới biến động mạnh mà Nhà nước chưa cho phép tăng giá bán, doanh nghiệp dùng tiền quỹ để bù vào mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ.
Như vậy có thể hiểu quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập nên từ tiền túi của người tiêu dùng. Với sản lượng tiêu thụ toàn thị trường cả nước mỗi tháng khoảng 1,2 tỉ lít xăng dầu, ước tính mỗi tháng quỹ bình ổn giá xăng dầu góp được 3.600 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc quỹ này được đặt tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong khi cơ chế kiểm soát lại chưa được chặt chẽ là điều không nên. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trích và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu không hợp lý đã gây nhiều bức xúc, thiệt hại cho người tiêu dùng. Xin nêu một ví dụ cụ thể. Tháng 1/2011, cơ quan quản lý chức năng đã phát hiện Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị chiếm 60% thị phần xăng dầu cả nước đã sử dụng không đúng mục đích quỹ bình ổn giá xăng dầu lên tới 1.200 tỷ đồng. Đến nay, việc xử lý sai trái này của Petrolimex như thế nào cũng chưa được công bố trước công luận.
Để hạn chế các tiêu cực như vừa nêu, có lẽ cần giao quyền quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho một đơn vị độc lập, chẳng hạn như Kho bạc Nhà nước. Mặt khác, để bảo đảm công bằng cho người tiêu dùng, khi các doanh nghiệp đang vay ngân hàng với mức lãi suất 18%/năm thì cũng phải tính mức lãi suất hợp lý với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi họ đang sử dụng quỹ này.
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu trong nước hiện nay được thực hiện theo 3 nguyên tắc: Thứ nhất, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; giá có lên có xuống theo biến động của giá thế giới. Thứ hai, đảm bảo mức giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam tương đương với mặt bằng giá của các nước trong khu vực. Thứ ba, thực hiện nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thế nhưng, việc thực hiện ba nguyên tắc này trong công tác điều hành giá xăng dầu còn gây bức xúc trong dư luận. Đó là, khi giá dầu ở thị trường thế giới tăng thì doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đề nghị cơ quan quản lý cho phép tăng giá ngay. Nhưng khi giá dầu thế giới giảm thì các doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do để không giảm giá bán xăng dầu trong nước và thường là được đồng tình.
Kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng lãi doanh nghiệp hưởng, còn lỗ thì người tiêu dùng phải gánh chịu hoặc Nhà nước bù lỗ. Đây là điều phi lý. Xin đơn cử ví dụ, doanh nghiệp Petrolimex chiếm thị phần xăng dầu khoảng 60% trong cả nước. Trong 3 năm 2008, 2009 và 2010, doanh nghiệp này luôn kêu lỗ nhiều tỷ đồng. Nhưng lạ thay, mới đây trong báo cáo tài chính chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, Petrolimex lại công bố: Từ năm 2008 đến năm 2010, doanh nghiệp Petrolimex đã lãi hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Giá xăng dầu là một yếu tố có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số giá cả và qua đó cũng ảnh hưởng tới lạm phát. Do vậy, khi tiến hành kiểm toán các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, ngoài làm rõ việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu ra sao, kiểm toán cũng sẽ làm rõ các khoản liên quan đến doanh thu, chi phí, lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Đây là việc làm đúng đắn và cần thiết. Từ cuộc kiểm toán này, người tiêu dùng cũng hy vọng sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu của hai bộ Tài chính và Công thương.
Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Người tiêu dùng cả nước kỳ vọng, với đội ngũ cán bộ có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp, Kiểm toán nhà nước sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, qua đó góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh xăng dầu theo hướng minh bạch và công bằng./.