Mong đợi xa vời!
Thực tế này sẽ lại lặp lại tại những diễn đàn khác về biến đổi khí hậu, khi chưa được các quốc gia xác định vấn đề này cũng quan trọng như lợi ích của đất nước mình
Hội nghị Cấp cao của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Copenhaghen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới đây, khó đạt được kết quả như mong đợi, khiến mục tiêu đạt được một Hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012 trở nên xa vời.
Mặc dù còn tới hơn hai tuần nữa, Hội nghị Cấp cao Copenhaghen về biến đổi khí hậu mới diễn ra, nhưng ngay tại thời điểm này, người ta đã xác định rằng, hơn 170 vị nguyên thủ quốc gia tham dự sự kiện quan trọng này không thể đạt được một thoả thuận có giá trị pháp lý nào. Điều này càng được khẳng định, khi tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 17 vừa kết thúc ở Singapore, chỉ đưa ra một tuyên bố rất chung rằng: “Cam kết sẽ giải quyết mối đe doạ của biến đổi khí hậu”. Thậm chí, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC còn công khai thừa nhận việc đạt được một hiệp ước về biến đổi khí hậu tại Copenhaghen sắp tới là không thể và tán thành đề nghị của Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen thực hiện quá trình này thành hai bước.
Theo đó, chính phủ các nước sẽ đưa ra những cam kết cơ bản để đạt được các mục tiêu cơ bản của Hiệp ước khung LHQ về biến đổi khí hậu. Bước hai mới yêu cầu giải quyết các mục tiêu cụ thể và hoàn thành văn bản của hiệp ước mới hoặc chỉnh sửa Nghị định thư Kyoto.
Thực ra, ngay cả đề nghị này cũng không rõ ràng và không có tính chất ràng buộc. Điều đó khiến dư luận hiểu rằng, kết quả tốt nhất mà Hội nghị Cấp cao về biến đổi khí hậu tại Copenhaghen có thể đạt được sẽ chỉ là một thoả thuận không có tính pháp lý, không thể làm cơ sở cho việc đạt được một hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto.
Thế mà chỉ cách đây hơn hai tháng, các nước công nghiệp phát triển - những quốc gia thải nhiều khí thải nhất, một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, đều rất quyết tâm đạt được một thoả thuận về vấn đề này tại Copenhaghen. Và Tổng thống Mỹ Barack Obama còn đứng ra tổ chức Hội nghị về biến đổi khí hậu ngay trong khuôn khổ khoá họp thường niên lần thứ 64 Đại hội đồng LHQ tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Hoa Kỳ) từ ngày 23-25/9 vừa qua. Trong đó, ông khẳng định Mỹ sẽ đi đầu trong việc cắt bớt lượng khí thải (CO2). Đây là sự thay đổi khá tích cực, khi trước đây, Mỹ và các quốc gia phát triển khác chưa thật sự có những bước đi cụ thể để cắt giảm lượng khí thải. Nhưng rõ ràng, giờ đây, những cam kết đó, lại vẫn chỉ nằm trên giấy. Do suy thoái kinh tế toàn cầu đã tạo áp lực lên chính phủ các nước, khiến họ phải coi trọng việc bảo đảm việc làm bằng việc tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp nội địa phát triển, lên trên những cam kết về biến đổi khí hậu.
Ngay tại Mỹ, mới chỉ có Hạ viện Mỹ thông qua Dự Luật an ninh và năng lượng sạch, trong khi Thượng viện lại chưa có tín hiệu sẽ thông qua, để trở thành luật. Chính việc Mỹ không thể đưa ra hệ thống pháp luật chính thức hạn chế lượng khí thải trước khi Hội nghị Cấp cao Copenhaghen diễn ra, khiến các thành viên APEC khác cũng không muốn đơn phương tự đưa ra mức cắt giảm khí thải. Đồng thời, các quốc gia phát triển và đang phát triển cũng chưa nhất trí về mức cắt giảm lượng khí thải và trách nhiệm của mỗi nước trong việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Ngoài ra, một trong các vấn đề khó đạt được sự đồng thuận là giúp đỡ tài chính từ các nước phát triển cho những nước đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia nghèo. Thậm chí, một số nước chậm phát triển còn phản đối việc hạn chế khí thải khi chưa nhận được sự hỗ trợ tài chính để nền kinh tế của những quốc gia này không bị ảnh hưởng.
Một thoả thuận thực chất về biến đổi khí hậu, rõ ràng, không thể có tại Hội nghị Cấp cao Copenhaghen. Thực tế này sẽ lại lặp lại tại những diễn đàn khác về biến đổi khí hậu, khi chưa được các quốc gia xác định vấn đề này cũng quan trọng như lợi ích của đất nước mình. Nếu tình trạng này còn kéo dài, sẽ là thảm hoạ của toàn thế giới./.