Mong nhất là ổn định

Những người lao động trung bình ở các đô thị lớn khó mà mơ có nhà riêng để ở, người nghèo, tầng lớp hưu trí càng ngày càng chịu áp lực bởi sự nhảy múa của mớ rau, con cá ngoài chợ…

>> 10 nhân tố tạo nên “vũ điệu của vàng”

>> Tránh quay lại thời bao cấp

Có thể nói từ năm 2008 cho đến nay, kinh tế Việt Nam đã nhiều phen gặp phải  sóng gió chưa từng thấy. Nguyên nhân chủ yếu là chúng ta giờ đây đã trở thành một phần hữu cơ của kinh tế thế giới, mọi biến động bên ngoài, không sớm thì muộn, đều tác động đến Việt Nam.

Trong một thế giới luôn biến động và bị qui luật thị trường chi phối, nếu không hiểu qui luật, không có năng lực phân tích và dự báo để ứng xử nhạy bén, kịp thời; và nhất là không kiên quyết loại bỏ những khiếm khuyết nội tại để hướng tới một sự phát triển ổn định, thì kinh tế có thể vẫn phát triển nhưng luôn luôn ở trong trạng thái bất ổn định, gây tâm lý không tốt cho xã hội.

Giá cả tăng khiến chi tiêu cho bữa ăn gia đình đắt đỏ hơn

Ba năm qua, kể cả giai đoạn nhiều sóng gió nhất là 2008-2009 (do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu) nhưng kết quả cuối cùng, nền kinh tế vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Đời sống của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp lao động có bước cải thiện tích cực. Thành công này là do Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp điều hành linh hoạt, mang tính tình thế tương đối tốt.

Thế nhưng 3 năm qua cũng là thời gian chúng ta chứng kiến nhiều bất ổn kinh tế đáng lo ngại. Nếu căn cứ vào chỉ số  trượt giá, trong vòng ba năm, đồng tiền Việt Nam đã bị mất giá khoảng 38%.

Đây là mức rất cao so với trung bình của thế giới và so với các nước trong khu vực. Trong giai đoạn này, giá đất nhiều khu vực ở Hà Nội và TP HCM, hai thị trường đầu tầu của cả nước, đã tăng từ 30% đến hơn 3 lần. Những cơn sốt giá bất động sản, giá vàng, giá USD liên tục lặp đi, lặp lại. Lạm phát luôn có xu hướng tăng và bị điều chỉnh liên tục. Đơn cử như năm 2010 này, chỉ tiêu lạm phát được Quốc hội phê duyệt ban đầu là 7%/năm, sau đó lại được điều chỉnh lên 8%, nhưng từ nay đến cuối năm, phải rất quyết liệt mới hy vọng kiểm soát được lạm phát dưới 2 con số.

Những diễn biến nêu trên đã và đang tác động đến tâm lý của người dân và của thị trường. Rõ ràng, kinh tế vẫn phát triển, đời sống có khấm khá hơn trước đây mà nhiều người vẫn cảm thấy bất an. Những người lao động trung bình ở các đô thị lớn khó mà mơ có nhà riêng để ở, người nghèo, tầng lớp hưu trí càng ngày càng chịu áp lực bởi sự nhảy múa của mớ rau, con cá ngoài chợ, hay vấn đề làm thế nào để bảo toàn được khoản tiết kiệm ít ỏi của mình.

Đây là một tâm trạng xã hội cần được quan tâm xử lý.

Nguồn gốc của vấn đề có phần do cơ chế thông tin và tính minh bạch trong các chính sách kinh tế. Thông tin về kinh tế nhìn chung con chưa rõ ràng, cụ thể,  chưa chủ động và chưa kịp thời từ các cơ quan chính thống. Trong quá khứ, chúng ta từng chứng kiến không ít quan chức lên đài, báo tuyên bố là không tăng, không có kế hoạch điều chỉnh giá một mặt hàng thiết yếu nào đó, nhưng kỳ thực sau đó giá mặt hàng đó lại tăng. Tình hình này khiến công chúng có tâm lý: tin vào tin đồn. Tâm lý này là mảnh đất tốt để những kẻ dầu cơ dễ dàng trục lợi. Cơn bùng phát của giá vàng và USD trong máy ngày qua là một ví dụ. Nếu thông tin kịp thời hơn, các động thái chính sách được đưa ra kịp thời hơn, chưa chắc thị trường đã bị một phen nhiễu loạn như vậy.

Sâu xa hơn là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay nói rộng hơn là chính sách tăng trưởng cần có một sự ổn định lâu dài và kiên định. Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa quá nhiều vào đầu tư công, đầu tư nhiều, dàn trải mà hiệu quả lại quá  thấp đã gây ra nhiều tác hại như chúng ta đang thấy. Nó cũng góp phần làm trầm trọng hơn những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến Việt Nam.

Thực tế cũng cho chúng ta bài học, trong chính sách dài hạn hay những động tác điều hành mang tính tình thế vẫn phải thấm nhuần và tuân theo nhưng qui luật phức tạp của thị trường. Cách ứng xử thiên về xử lý tình huống là chủ yếu, theo kiểu “nước đến chân mơi nhảy”,  xem ra không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới và qui mô hiện nay của nền kinh tế Việt Nam.

Tái cơ cấu nền kinh tế, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, cải thiện hiệu quả đầu tư đã trở thành một nhu cầu tự thân của chúng ta. Đây là điều mà từ người dân bình thường đến các chuyên gia và chính giới đều đã nhận ra. Có lẽ ai cũng mong nhìn thấy một sự tăng trưởng ổn định, một sự phát triển bình tĩnh, một tương lai kinh tế mà Nhà nước chủ động dự liệu một cách khoa học, bài bản, từ đó các doanh nghiệp và người dân chủ động kế hoạch của mình.

Vấn đề nằm ở khả năng lắng nghe và hành động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên