Một câu đối - Một đời người
VOV.VN -“Văn lo vận nước Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hoá Văn” - đã khái quát tài năng, đức độ của Đại tướng.
Có một câu đối viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà lâu nay, rất nhiều người nhầm tưởng là của một cựu chiến binh nào đó đề tặng.
Chỉ với 14 chữ: “Văn lo vận nước Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hoá Văn”, nhưng câu đối đã khái quát toàn bộ tài năng, đức độ của vị Đại tướng huyền thoại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Tác giả câu đối ấy là một ông giáo già sống ở phường Láng Hạ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Ông Hồ Cơ năm nay đã hơn 90 tuổi, từng là Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Nghiêm, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục dạy học, làm báo, làm xuất bản rồi về hưu.
Tập thơ "Tuổi trăn tròn" có in câu đối của nhà giáo Hồ Cơ |
Tuổi già, ông tham gia Câu lạc bộ thơ Thành Công và nhiều năm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ này. Thơ của ông và bạn bè hầu hết là ca ngợi những danh lam thắng cảnh của đất nước, tâm sự về cuộc đời, về nhân tình thế thái, nhưng nhiều nhất, hay nhất vẫn là những bài thơ thể hiện sự ngưỡng mộ đối với các vị anh hùng dân tộc, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà giáo Hồ Cơ nói: “Đất nước này nên cơ nên nghiệp, thứ nhất là do công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thì công của Đại tướng là công đầu. Nguy nan gì ông cũng xông vào. Khi lâm trận thì ông nghĩ làm thế nào để chiến thắng mà quân dân hy sinh ít nhất. Cái đó là con người vĩ đại. Tôi ca ngợi một con người xứng đáng là anh hùng của Việt Nam”.
Năm 2000, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 90 tuổi, Câu lạc bộ thơ Thành Công xuất bản tập thơ Tuổi trăng tròn kỷ niệm 15 năm thành lập, trong đó có in đôi câu đối của ông, coi đó là món quà mừng thọ Đại tướng.
Nhận món quà chúc thọ, Đại tướng cảm ơn và đọc qua một số bài. Khi đọc đến câu đối nhà giáo Hồ Cơ viết tặng mình thì Đại tướng đọc qua, đọc lại và trầm ngâm suy nghĩ rất lâu.
Nhà giáo Hồ Cơ kể lại: “Phu nhân Đại tướng ngạc nhiên, không biết thế nào mà ông cứ chăm chú đọc 2 câu này. Tôi xin phép ông Giáp, đứng dậy lấy cuốn sách, giở ra đưa cho bà. Đọc xong, bà khóc. Bà nói rằng: Chồng tôi đối với đất nước, người ta đã ca ngợi hết lời. Nhưng ca ngợi “Văn lo vận nước Văn thành Võ, Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn” như ông thì thật là đúng mức. Tôi biết tấm lòng của ông đối với chồng tôi như thế nào. Xin phép ông, tôi xin chúc sức khỏe ông”.
Chỉ với 14 chữ thôi, nhưng đôi câu đối là một bức tranh toàn mỹ về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Văn ở Võ Nguyên Giáp là người, là văn hóa, là lắng nghe tiếng nói của nghìn xưa vọng lại, là biết đau nỗi đau của cả dân tộc nô lệ lầm than.
Võ Nguyên Giáp đã lấy võ nghiệp để thực hành triết lý nhân văn và tinh thần cống hiến của đời mình. Nhờ thế mà ông trở thành nhà quân sự tài ba lỗi lạc, khiến thế giới phải nghiêng mình kính phục. Ở đỉnh vinh quang của sự nghiệp cầm quân, trải qua thời gian với bao ngọt bùi, đắng cay, hạnh phúc của cuộc đời, Võ Nguyên Giáp vẫn là một vị tướng biết “dĩ công vi thượng”.
Ông đã trở thành vị tướng trong lòng dân, vị tướng của hòa bình. Bởi có thấu hiểu lòng dân, vị Võ tướng ấy mới sống và hành xử nhân hậu, nhân văn và nhân bản đến tận giây phút cuối của cuộc đời. Văn trong Võ Nguyên Giáp là cuộc đời, là con người với tất cả ý nghĩa sâu xa, tốt đẹp nhất, là: “Hoa đất”!
Trong giây phút này, khi Đại tướng đã về với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tự tin và tự hào mà nói rằng, sau Hồ Chí Minh, cái tên Võ Nguyễn Giáp đã trở thành thứ tài sản tinh thần quý giá của dân tộc, là danh xưng của đất nước và con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Sự ra đi của ông đã mở đầu cho những giá trị mới của cuộc sống. Xin thắp một nén tâm hương cùng một câu đối khác của nhà giáo Hồ Cơ thay lời ngưỡng vọng đến vị Đại tướng thiên tài của dân tộc: “Trăm tuổi lừng danh Văn Đại tướng/Nghìn thu vang tiếng Võ Anh hùng”./.