Một kỳ họp Quốc hội dân chủ và trách nhiệm
(VOV) -Kỳ họp được cử tri mong đợi để đưa đất nước vượt qua thử thách bằng những quyết sách và hành động thiết thực, hiệu quả.
Hơn một tháng qua, các phiên họp và thảo luận của Quốc hội luôn sôi động bởi những vấn đề bức xúc, nổi cộm của đời sống xã hội. Đà suy yếu và sự trì trệ của nền kinh tế ở tầm vĩ mô do tốc độ tăng trưởng thấp, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao, nợ xấu kéo dài, hàng tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp phá sản, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước... cũng như những khó khăn hiển hiện trong đời sống mỗi người dân phải "thắt lưng buộc bụng" cắt giảm chi tiêu... đã được các đại biểu Quốc hội đề cập thẳng thắn tại nghị trường.
Nỗi lo và tâm huyết cùng chia sẻ khó khăn chung của đất nước của từng đại biểu Quốc hội thông qua những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao của những người đại biểu mà cử tri đã gửi gắm.
Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, thận trọng trong từng bước đi, tại kỳ họp này, công tác xây dựng luật của Quốc hội đã tạo bước chuyển mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Gần một nửa thời gian là các phiên họp toàn thể tại hội trường, được phát thanh, truyền hình trực tiếp |
Trong đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, nhưng qua các phiên thảo luận đã thể hiện rõ nội dung dự thảo này đã thể chế hóa một cách đẩy đủ, sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Ðất đai (sửa đổi) cũng được các đại biểu Quốc hội góp ý, phân tích thấu đáo nhằm khắc phục tệ nạn tham nhũng ngày càng nhức nhối, tinh vi; đề cao quyền và lợi ích của người sử dụng đất, khắc phục cơ bản những hạn chế thiếu sót của Luật Đất đai cũ đang tạo lỗ hổng trong quản lý đất đai dẫn đến "lợi ích nhóm" và tranh chấp, khiếu kiện.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội dồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây dược coi là bước đột phá quan trọng, nhằm tạo một hành lang pháp lý để cơ quan lập pháp và đại biểu của dân có cơ sở để loại ra những cán bộ không làm tròn trách nhiệm mà cử tri và nhân dân giao phó.
Với tinh thần thẳng thắn và tâm huyết, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, đánh giá khách quan, toàn diện những thuận lợi, khó khăn, những thành tựu, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội thời gian qua.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xác định mục tiêu của năm 2013 và trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh đến việc chặn đà suy yếu của nền kinh tế để duy trì tăng trưởng. Trước hết là ưu tiên cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng ở mức hợp lý.
Đồng thời, trong bối cảnh đất nước đương đầu nhiều thách thức lớn, nhưng Quốc hội cũng đã phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn để cùng Chính phủ tìm mọi cách tăng lương, cho dù đồng lương tối thiểu chỉ tăng 100.000 đồng, không theo đúng lộ trình và lùi thời hạn tới hai tháng vì ngân sách eo hẹp.
Đây là kỳ họp đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, mà có gần một nửa thời gian là các phiên họp toàn thể tại hội trường được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Trong đó, trong một phiên họp chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, toàn Ðảng, toàn dân về tất cả yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Rồi các thành viên Chính phủ cũng đã hứa, đã cam kết sửa chữa, khắc phục công khai trước nghị trường về trách nhiệm của mình ở từng lĩnh vực kinh tế-xã hội cũng đã phần nào củng cố niềm tin, làm an lòng dân.
Tuy nhiên, với bộn bề khó khăn, giải pháp tháo gỡ dù hay đến đâu cũng không thể khắc phục dứt điểm trong một sớm một chiều, nhất là những vấn đề khó như hàng hóa tồn kho, nợ xấu, thị trường trì trệ; rồi khôi phục lại tăng trưởng, làm ấm lên thị trường bất động sản, chống tham nhũng, lãng phí trong xây dựng, giáo dục y đức, quản lý giá thuốc...
Đối với một kỳ họp Quốc hội, cử tri và người dân trông đợi những phân tích chính xác, có căn cứ khoa học và sâu sắc về nguyên nhân của những diễn biến xấu trong đời sống kinh tế-xã hội, cũng như thái độ nghiêm túc trong việc nhìn nhận sự yếu kém về năng lực dự báo và quản lý vĩ mô.
Nhưng điều cốt lõi nhất và cao hơn cả là ai cũng muốn nghe, muốn biết là cách làm của Chính phủ, cũng như các thành viên Chính phủ cam kết cụ thể về việc thực thi hiệu quả các biện pháp đã đề ra, nhằm đưa đất nước ra khỏi thời kỳ khó khăn, trở về với lộ trình phát triển ổn định./.