Một quyết định sai trái, vi phạm quyền con người

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên các thẩm phán Hoa Kỳ bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

>> VAVA sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh vì công lý cho các nạn nhân da cam

>> Toà án Mỹ bác đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Với quyết định bác đơn thỉnh cầu của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phủ nhận những hậu quả hết sức nặng nề của loại chất độc do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe người dân Việt Nam. Đó còn là một hành động vi phạm những quyền cơ bản nhất của con người, có quyền được sự công bằng và quyền được chăm sóc, bảo vệ khi sức khỏe bị xâm phạm.   Tòa án liên bang Mỹ ở quận Brooklyn (New York) năm 2005, Tòa án phúc thẩm Mỹ đầu năm 2008 đều đã bác đơn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ cung cấp loại chất độc này cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.  

Giờ đây, Tòa án Tối cao Mỹ cũng lặp lại phán quyết đó, với cùng lý do là chất độc da cam/dioxin “chỉ nhằm bảo vệ quân đội Mỹ, chứ không phải để chống lại loài người”. Những quyết định đó cho thấy, những người được giao trọng trách đem lại sự công bằng, công lý ở Mỹ, hoàn toàn không suy nghĩ và hành động vì sứ mệnh cao cả đó. Thực tế, da cam – biệt danh của một loại hóa chất lỏng, trong đó chứa dioxin, nguyên tố rất độc đối với sức khỏe con người, có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam những năm 1960 – 1970, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất độc da cam/dioxin xuống khu vực nhiều vùng dân cư ở miền Nam Việt Nam. Hậu quả, gần 35 năm sau chiến tranh, đến nay, ở Việt Nam, vẫn còn hơn 3 triệu người nhiễm độc dioxin. Trong số đó, rất nhiều người đang mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo như: ung thư, tiểu đường, dị tật bẩm sinh.  

Chính Viện Hàn lâm Y học Mỹ thuộc Viện Hàn lâm khoa học Mỹ đã chứng minh chất dioxin là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh nan y đó và cả 14 loại bệnh nguy hiểm khác. Cũng cần phải khẳng định lại rằng, trong số các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin Việt Nam gửi đơn kiện, trong đó có tới 5 người trực tiếp đứng trước tòa án Mỹ. Con người họ, với những đau đớn về bệnh tật do nhiễm dioxin đang hành hạ thân thể họ, chính là minh chứng sống, mà bất cứ một Tòa án nào, nếu xét xử công minh, thật sự vì lẽ công bằng, đều không thể bỏ qua. Như vậy, làm sao các vị thẩm phán từ Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm đến Tối cao, lại đều có thể cho rằng chất độc da cam/dioxin không phải vũ khí chống lại dân thường? Và ngay cả khi họ nói rằng, loại chất độc đó được sử dụng chỉ để bảo vệ binh lính Mỹ, thế nhưng vì sao, hiện nay tại Mỹ, có hàng nghìn cựu chiến binh đang phải vật lộn với nhiều căn bệnh nguy hiểm do bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Vấn đề là, chất độc da cam/dioxin, với những độc tính rất cao đối với con người, bất kể ai khi bị nhiễm, cũng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế, từ nhiều năm qua, Chính phủ Mỹ đã phải đền bù cho các cựu chiến binh Mỹ tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.  

Đồng thời, từ năm 1984, Tòa án Mỹ cũng đã ra phán quyết buộc 7 công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường 180 triệu USD cho các cựu chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng chất da cam/dioxin ở Việt Nam. Năm 2006, tại Hàn Quốc, Tòa án dân sự cấp cao nước này cũng quyết định bắt hai công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường hơn 60 triệu USD cho các cựu chiến binh Hàn Quốc từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bị nhiễm chất da cam/dioxin. Rõ ràng không có lý do gì để Tòa án Tối cao Mỹ tiếp tục bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Đó là một sự không công bằng khi người gánh chịu hậu quả nặng nề lại bị bác đơn kiện. Hành động như vậy, Tòa án Tối cao Mỹ đã tạo cơ hội cho các công ty hóa chất sản xuất chất độc da cam/dioxin chối bỏ trách nhiệm đối với những nạn nhân Việt Nam. Hơn ai hết, chính các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam phải chịu trách nhiệm pháp lý, tinh thần và cả đạo lý về những tội ác mà họ đã gây ra cho các nạn nhân bị nhiễm chất da cam/dioxin Việt Nam.  

 Và cũng từ việc bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam của các Tòa án Mỹ, đặc biệt là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, người ta càng thấy rõ, chính Mỹ, đã vi phạm quyền con người. Rõ ràng, với quyết định đó của Tòa án Mỹ, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã và đang bị tước đi quyền được đối xử công bằng, được luật pháp bảo vệ. Thực tế đó càng cho thấy, thay vì rao giảng về tình hình nhân quyền các nước như báo cáo nhân quyền thế giới năm 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Mỹ cần tôn trọng quyền con người, đặc biệt là phải tôn trọng khách quan, sự công bằng cho mọi người dân. Cho dù Tòa án Tối cao Mỹ đã bác đơn kiện, nhưng quyết định này không làm nhụt ý chí đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Và Chính quyền Mỹ cũng không thể kết thúc toàn bộ vấn đề liên quan đến nạn nhân da cam dioxin Việt Nam. Trong cuộc hành trình đi tìm công lý này, mặc dù rất gian nan, nhưng các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam không đơn độc. Họ được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của đông đảo bạn bè quốc tế, trong đó có những người bạn Mỹ. Dù sớm hay muộn, công lý sẽ chiến thắng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên