Tạp cảm đầu năm

Mùa xuân đúng hẹn

Cuối cùng, như một người bạn thủy chung luôn giữ lời hẹn, mùa xuân trở về đúng lúc.

Ánh nắng ngày cuối năm như người chiến sĩ đi tiền trạm thông báo tin vui. Và thật phơi phới, thật mát mẻ, thật nức lòng làn gió nhẹ chúa xuân ban cho thủ đô Hà Nội đúng vào khoảnh khắc Giao thừa, lúc bầu trời thành phố rộ nở pháo hoa. Tưởng chừng đã lùi xa, đã lặn mất trong biển cả thời gian cái điệp khúc buồn mà các cô hướng dẫn viên xinh đẹp truyền hình vẫn ca vào tối tối cả tháng qua: “Rét đậm, rét hại còn kéo dài...”. Vẫn biết mùa đông đâu đã chịu qua đi cho dù xuân đã tới, ra giêng nhất định còn có rét đài, rét lộc, rét Nàng Bân..., và hiện nay cái điệp khúc buồn vẫn còn đó với đồng bào vùng núi cao, vẫn chưa thôi dầm dề lầy lội dải đất miền Trung, dù sao nắng nóng theo mùa đã trở lại phía Nam, và tại thủ đô mùa xuân thiên nhiên đúng hẹn đã về, thoạt đầu rụt rè rồi mau chóng dạn dĩ lên.

          Nhớ lại hình như có lần tôi viết đâu đó, rằng chờ đợi Giao thừa và Nguyên đán chẳng khác nào các cuộc hò hẹn buổi hoa niên. Biết chắc đúng giờ hẹn, người bạn thủy chung ta đang nóng lòng mong đợi sẽ đến, vậy mà thời gian trước giờ phút ấy vẫn cứ bồn chồn ngồi đứng không yên. Đài khí tượng thủy văn đã dự báo khá sớm, đến Tết đợt rét đậm quá dài sẽ chấm dứt, vậy mà nghe vẫn khó tránh lo âu. Cũng là tâm trạng bình thường, “đã gọi là dự báo mà...”, nhất là trong bối cảnh khí hậu toàn cầu diễn biến rất không bình thường như ngày nay. Lần này, may quá, hoan hô ngành khí tượng thủy văn!

          Tôi là người từ nhỏ chưa bao giờ tin có ngày lành, ngày dữ. Thời chiến tranh, ra chiến trường vào địch hậu đã đành. Ai cho phép bạn coi ngày! Có việc là ta cứ đi. Hòa bình trở lại, tôi vẫn không quan tâm chuyện ngày lành tháng tốt. Có việc là ta cứ làm. Có lẽ trước sau tôi vẫn là người “Ta không tin Thượng đế/ Nhưng tin có linh hồn...” (thơ vui Chế Lan Viên). Theo lệ ông cha, lễ tết, giỗ chạp đã đành, mà mọi ngày sóc vọng (mùng một và rằm âm lịch), kể từ khi có mái ấm cho đến tuổi già tôi vẫn đều đặn đốt nén hương trên bàn thờ gia tiên, tưởng nhớ công đức tiền nhân. Thế mà lần này, không hiểu sao tự nhiên có sự liên tưởng: Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 nhằm đúng vào kỷ niệm 80 Năm thành lập Đảng. Và Đảng ta vừa kết thúc thành công Đại hội lần thứ XI, thông qua Cương lĩnh, Chiến lược cùng Kế hoạch phát triển đất nước thời gian tới, khẳng định những khâu đột phá để cả dân tộc cùng thực hiện. Là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có phối hợp diệu kỳ giữa tự nhiên và lịch sử báo trước điềm lành?

Như một sự thật hiển nhiên, thời kỳ phát triển mới của đất nước ta đang rộng mở.

Vẫn biết trong cuộc sống, bên cạnh những mặt đi lên làm sao tránh khỏi vấn đề này, kia gây bức xúc. Có những chuyện phiền lòng do khách quan chẳng ai có cách nào cưỡng lại, cũng có điều tự ta gây khó cho ta, để chính ta và các thế hệ mai sau gánh hệ lụy. Tuy nhiên, xét đến cùng, hòa bình, phát triển nhìn từ mặt nào đó, là một cuộc chiến đầy gian khổ. Chúng ta vẫn chẳng nói, trận quyết chiến của dân tộc Việt ngày nay là đại tấn công đẩy lùi nghèo khó, lạc hậu, kém phát triển đó sao? Và, như người xưa vẫn dạy, chiến tranh ắt có trận thắng có trận thua, mà chẳng trận thắng nào không kèm theo tổn thất. Cái quan trọng hơn cả là cuối cùng ai sẽ thắng trong toàn cuộc chiến. Cuộc chiến vì phát triển và hội nhập nhất định có thắng to thắng nhỏ, và chắc cũng khó tránh trận thua dẫn tới ngổn ngang bề bộn phải thu dọn chiến trường. Rốt cuộc, theo định hướng mà Đại hội XI một lần nữa khẳng định, với khí phách dân tộc và sự ủng hộ của bạn bè, Việt Nam sẽ thắng. Đây là điều chắc chắn. Vấn đề vẫn là làm sao thắng lợi mà giảm thiểu tổn thất, đặc biệt là tổn thất do sai lầm về chỉ đạo, điều hành. Phấn đấu đạt mục tiêu với sự trả giá thấp nhất. Trách nhiệm và vinh quang của lãnh đạo chính là ở đó. Đối với người dân, kỳ vọng này không thể thiếu để gia cố niềm tin.

Mùa xuân đúng hẹn lại về, cho dù sẽ còn rét đài, rét lộc, rét Nàng Bân. Mát mẻ ấm nồng tuần tự thay dần rét đậm rét hại, cho dù khí hậu toàn cầu đang biến đổi phức tạp. Chúng ta đã hội có đủ tiền đề và thực tiễn để vững tin, dân tộc ta sẽ sớm “sánh vai cùng năm châu” (lời Bác Hồ). Cuộc sống loài người đang ngày một tốt lên, mặc cho tiềm ẩn nhiều “bi kịch toàn cầu” đã được các bậc thức giả nhất tề dự báo. Dân tộc Việt Nam đúng hẹn sẽ đạt mục tiêu đẩy lùi nghèo thiếu, đưa đất nước phát triển, hội nhập mà vẫn bảo tồn bản sắc Lạc Hồng ./.                            

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên