Năm học mới – niềm băn khoăn cũ

Một năm học hứa hẹn nhiều thành tích mới. Song vẫn còn đó nỗi niềm băn khoăn cũ khi không ít phụ huynh phải thắc thỏm âu lo trước niềm vui của con thơ trong ngày khai giảng.

Hôm nay (6/9), hơn 21 triệu học sinh, sinh viên chính thức bước vào năm học mới 2010- 2011, năm học được kỳ vọng có nhiều đổi thay.

Sự đổi thay không phải để tạo dấu ấn cá nhân như tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định khi trả lời báo chí ngay trước ngày khai giảng mà là để tạo ra một năm học chất lượng và hiệu quả, để sự nghiệp giáo dục gần hơn với cuộc sống.

Một năm học hứa hẹn nhiều thành tích mới. Song vẫn còn đó nỗi niềm băn khoăn cũ khi không ít phụ huynh phải thắc thỏm âu lo trước niềm vui của con thơ trong ngày khai giảng.

Năm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện bằng được 5 Chương trình lớn là: Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh từ lớp 3; Đề án phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên, tổ chức giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh phù hợp với từng cấp học và điều kiện địa phương.

Nói khái quát là ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung nâng cao chất lượng dạy chữ; Từng bước hướng nghiệp, phát triển dạy nghề ở nơi thuận lợi; Đặc biệt chú trọng việc dạy làm người, nâng cao kỹ năng sống, giúp học sinh có ý thức biết tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ mình trước cái xấu, trước những cám dỗ và hành vi không lành mạnh. 

Năm học mới cũng hứa hẹn tiến độ kiên cố hóa trường lớp học được đẩy nhanh để trong thời gian ngắn nhất, học sinh, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập tốt. Đặc biệt, sẽ chú ý tới hệ thống trường dân tộc nội trú nhất là ở nơi còn thiếu. Những hiện tượng không lành mạnh, không đúng với bản chất của nền giáo dục như dạy thêm học thêm, chuyện lạm thu trong trường học, tình trạng học lệch, đối phó với thi cử, bạo lực trong học đường, học sinh nghiện game online.. được lãnh đạo Bộ cam kết đấu tranh để chấm dứt, tùy theo đặc điểm của từng địa phương nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Đây cũng là năm ngành Giáo dục triển khai nhiều dự án lớn. Ví như dùng  14.000 tỷ đồng để đào tạo 20.000 tiến sĩ, trong đó 10.000 tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài. Có người bảo không nên, người lại bảo đó là sự lãng mạn đáng yêu. Nhưng phần nhiều là ủng hộ. Vì nếu không mạnh dạn đầu tư cho đội ngũ cán bộ giảng dạy đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế thì mươi mười lăm năm nữa, Việt Nam vẫn không thể giải quyết nổi bài toán cơm chấm cơm ở hệ Đại học. Nhất là khi tỉnh nào cũng đua nhau nâng cấp hoặc mở trường đại học đủ các loại hình mà lại thiếu trầm trọng đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Hơn nữa, những đề án này hầu hết đã được bàn thảo kỹ lưỡng không chỉ trong ngành Giáo dục- Đào tạo mà còn ở cả Quốc hội, Chính phủ. Người dân tin vào sự đầu tư đó của Chính phủ. Chỉ có điều là khi được Nhà nước đầu tư, ngành Giáo dục quản lý như thế nào để đồng tiền của nhân dân mang lại hiệu quả cao nhất.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý giáo dục ở bậc đại học và thực tế khi tham gia hoạt động với các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cùng đội ngũ cộng sự tài năng, tâm huyết, người dân tin rằng tân Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ vững vàng cầm lái con thuyền giáo dục nước nhà tiến về phía trước. 

Chỉ còn một điều đã cũ, năm nào cũng nhắc tới, cũng quyết tâm nhưng rồi cứ mỗi dịp khai giảng, lại làm không ít phụ huynh băn khoăn. Đó là tình trạng lạm thu ở trường học. Năm nay, một số trường vẫn đặt ra nhiều khoản thu lạ đời như: tiền hỗ trợ học tập, phí bảo vệ, phí giáo viên dạy thể dục, quỹ vệ sinh, quỹ hoạt động thanh niên, quỹ chữ thập đỏ, quỹ hỗ trợ thư viện, quỹ hỗ trợ cơ sở vật chất và cả lương cho…giám thị, tiền tin học, tiền gửi xe, tiền nước uống, tiền lắp điều hòa nhiệt độ, tiền quản lý sổ liên lạc điện tử. Ngoài ra, nhiều trường còn sáng kiến vận động phụ huynh góp tiền xây sân bóng rổ, mua máy chiếu, nâng cấp hệ thống máy tính, trồng cây xanh… mà khoản thu nào cũng cao hơn năm trước.  

Trước ngày khai giảng, câu hỏi này lại được báo chí đặt ra với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngõ hầu được nghe một giải pháp khả thi của ngành chủ quản. Nhưng rồi, câu trả lời vẫn là: “cần có sự thống nhất hành động của mọi chủ thể. Có khi nhiều người, với tư cách công dân thì phản ứng nhưng với tư cách phụ huynh lại tiếp tay cho việc nộp tiền”. Đúng là có nhiều phụ huynh học sinh biết rõ sự vô lý này nhưng vẫn nộp, tiếp tay cho lạm thu ở trường học có đất sống. Nhưng thử hỏi có ai không nộp trong trường hợp như vậy. Nhất là khi việc lạm thu được che đậy bằng chiêu bài tự nguyện, tùy tâm. Thật chua xót khi một phụ huynh ở Thừa Thiên Huế trả lời báo chí rằng: “Trường thu thế nào chúng tôi cắn răng đóng thế ấy thôi. Con mình học trong đó, phụ thuộc vào các thầy cô. Lỡ thầy cô “giận”, e con mình bị ảnh hưởng”.

Để cho phụ huynh không dám nói thẳng với nhà trường vì sợ ảnh hưởng đến con cái là một sự đánh mất quá lớn hình ảnh tốt đẹp của thầy cô giáo và nhà trường đối với phụ huynh và dư luận xã hội. Để cho hình ảnh đáng kính của người thầy bị đánh mất vì những khoản lạm thu của nhà trường, đó là trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc kiểm tra giám sát việc thực hiện của cấp dưới.

Năm học mới với bao kỳ vọng, song chớ quên những điều băn khoăn nho nhỏ. Bởi điều nho nhỏ ấy lại là biểu hiện của một chuyện lớn lao. Đó là việc thực hiện kỷ cương phép nước. Người dân đang chờ ở một hành động cụ thể của người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên