Ngẫm chuyện 3 nữ sinh rủ nhau tự tử
Dù các em tự tử vì nguyên nhân gì thì cũng không thừa khi nhắc lại mối quan hệ ứng xử giữa cha mẹ với con cái, thầy cô với học sinh, hay nói rộng ra, là giữa người lớn với trẻ con.
- Nhiều uẩn khúc trong vụ 3 nữ sinh lớp 7 rủ nhau cùng chết?
- Xác định nghi can số 1 vụ nữ sinh mang thai bị giết
- Phó công an xã “tòm tem” vợ người
- “Cha đẻ” nước tăng lực Red Bull qua đời
- Bí ẩn 750 cuộc gọi và tin nhắn trong vụ đốt nhà báo Hoàng Hùng?
Chẳng biết từ khi nào, trong giới mày râu lưu hành câu thơ: “Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”.
Xem ra đấng lang quân nào biết “sợ” như thế có nghĩa còn có trách nhiệm với gia đình. Vợ “không nói gì” cũng sợ mà con cái trong gia đình không nói còn đáng sợ hơn.
Khi con cái không muốn tâm sự với bố mẹ thì tình hình đã ở mức báo động. Bởi khi đó cha mẹ sẽ không hiểu con nghĩ gì và sẽ làm gì, đến khi có chuyện xảy ra thì đã quá muộn. Việc cha mẹ không hiểu con cái sẽ dễ dẫn tới sự bế tắc, lúng túng hoặc cáu giận trong xử lý, đặc biệt với những người hay bị mất bình tĩnh.
Do đó việc thường xuyên trò chuyện cùng con, khơi gợi để con mạnh dạn kể lại những câu chuyện ở trường, dần dà tiến tới giúp các con bộc lộ những quan điểm như đồng tình - phản đối, yêu thương - căm giận, thích thú - chán nản… là vô cùng cần thiết. Muốn vậy cần có sự chủ động từ phía phụ huynh. Trước tiên, cha mẹ sẵn sàng nêu chính kiến, quan điểm của bản thân và hỏi lại xem các con có nghĩ như vậy không, tại sao. Công việc này nên thực hiện thường xuyên ngay từ khi các con ở tuổi mẫu giáo cho tới khi trưởng thành.
Học sinh hôm nay rất khác so với học sinh ở thế hệ cha mẹ chúng, thầy cô của chúng. Trong khi đó nhiều người vẫn nhìn các con với con mắt của những người ở những thập kỷ trước, có nghĩa là không đặt mình vào vị trí của con, trong một bối cảnh xã hội đã hoàn toàn đổi khác. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những mâu thuẫn thế hệ.
Cái mà người lớn cho rằng đúng, rằng hay thì chưa chắc đã nhận được sự đồng tình của các con. Do đó đừng vội lấy cái quyền cha mẹ, thầy cô để buộc các em thực hiện một công việc nào đó. Hãy kiên nhẫn tìm hiểu xem tại sao chúng phản đối, tại sao chúng nghĩ như thế và cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận để thực hiện công việc trên cơ sở thuyết phục là chính. Công việc này chẳng dễ dàng gì nhưng vô cùng cần thiết.
Thiết nghĩ, người lớn cũng không nên “coi” các em là trẻ nít, đặc biệt với những em đang ở lứa tuổi dậy thì. Có thể trong suy nghĩ của người lớn các em là trẻ con, và thực sự là như thế, nhưng trong cách ứng xử nên tỏ rõ sự bình đẳng và tôn trọng.
Từ chỗ bình đẳng và tôn trọng, cha mẹ sẽ làm bạn được với con; giáo viên sẽ thân thiện và cởi mở hơn với trò. Cũng từ đó các em mới đủ tự tin, và người lớn mới tạo ra sự tin cậy, để các em tâm sự, sẻ chia những khúc mắc và ẩn ức. Và cũng chỉ khi ấy, người lớn mới đủ dữ kiện, đủ cơ sở, để bằng vốn sống, kinh nghiệm và sự từng trải của mình, đưa ra các phương án giải tỏa mâu thuẫn cho các em./.