Ngàn năm độc lập vững âu vàng

Thành quả lớn lao nhất, vĩ đại nhất mà Cách mạng tháng Tám năm 1945 đem lại cho dân tộc ta là độc lập dân tộc, nền tảng của tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi con người.

Qua hàng ngàn năm lịch sử, với bao khúc biến cố thăng trầm, hưng vong, với nghìn năm phong kiến phương bắc đô hộ, với gần trăm năm thực dân đế quốc phương Tây xâm lược, khát vọng độc lập dân tộc luôn cháy bỏng trong tâm can mỗi người dân nước Việt. Giành độc lập dân tộc và bảo vệ, gìn giữ, nâng cao giá trị thành quả thiêng liêng đó là khát vọng, ý chí và cũng là động lực gắn bó, đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh vô biên phản kháng ngoại xâm và nội nghịch.

Có khát vọng nào sánh bằng khát vọng tự do? Có sức mạnh nào sánh được với sức mạnh toàn dân tộc khi vùng lên giành cho được độc lập tự do? Có sự đánh đổi nào xứng đáng hơn sự đánh đổi máu xương để dành lấy tự do độc lập?!

Nhớ lại 66 năm trước, tại Tân Trào, nhận rõ thời cơ cách mạng đang đến, với nhãn quan cách mạng vô cùng sáng suốt, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thể hiện khát vọng và ý chí: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho bằng được nền độc lập cho Tổ quốc”. Quốc dân đại hội Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc diễn ra ngay sau đó là một hội nghị “Diên Hồng của thời đại”, để rồi những ngày tháng Tám sục sôi cách mạng “người lên như nước vỡ bờ”, đánh đuổi thực dân, phát xít, giành độc lập dân tộc sau gần trăm năm nô lệ.

Nhớ lại, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tuyên ngôn mang tên Độc lập, trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Nhớ lại, những ngày cuối năm 1946, thực dân Pháp trở lại gây hấn, định cướp nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước... Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”

Nhớ lại, những ngày Tổ quốc bước vào cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược cam go khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định chân lý: Không có gì quý hơn độc lập tự do... Cả dân tộc Việt Nam lại kết thành sức mạnh, chiến đấu, hy sinh làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, là hiện thân của khát vọng dân tộc độc lập, đất nước tự do, con người hạnh phúc: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó cũng chính là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam, từ hàng ngàn năm trước, hôm nay, và mai sau...

Từ mùa thu năm 1945 đến nay, dù với quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thì cứu cánh, mục tiêu tối thượng của dân tộc ta vẫn là độc lập, tự do, hạnh phúc. Dân tộc có độc lập, đất nước mới tự do, nhân dân mới có hạnh phúc. Tự do, hạnh phúc là cội nguồn của bản lĩnh, khí phách và sáng tạo và lòng trung thành với Tổ quốc. Có độc lập mới có tự do, và tự do, hạnh phúc để củng cố, giữ vững nền độc lập. Nhân dân hạnh phúc, đất nước tự do là thước đo của giá trị, thành quả của độc lập.

Mục tiêu của cuộc cánh mạng tháng Tám 66 năm trước đã thành hiện thực trong đời sống chính trị xã hội hôm nay, càng phải được gia tăng về chất lượng hơn nữa, không chỉ cơm no, áo ấm, học hành, mà hơn thế nữa. Củng cố giá trị độc lập cho mỗi con người, cho cả dân tộc chính là tạo nền tảng để “non sông vạn thuở vững âu vàng”, “độc lập, tự do từ nay vĩnh viễn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên