Ngành giáo dục cần những mục tiêu cụ thể
Nhiều năm nay, ngành giáo dục đã quen với việc phát động các phong trào nhân năm học mới. Tuy nhiên, các “chủ đề”, “phong trào” đó phát huy tác dụng như thế nào đối với việc dạy và học vẫn là một câu hỏi lớn
Chủ đề của năm học mới 2010 - 2011 được Bộ Giáo dục & Đào tạo xác định là “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Chủ đề này tiếp tục nội dung của năm học trước và cũng thế hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng thực chất, nội hàm của việc “đổi mới quản lý” và “nâng cao chất lượng giáo dục” sẽ không thể giải quyết chỉ trong một hay hai năm học, mà đòi hỏi cả chiến lược mang tầm quốc gia và có tính dài hơi. Năm học mới này, ngành giáo dục cũng đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm. Rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng giáo dục, từ trường lớp đến việc dạy và học, nâng cao “mặt bằng” của nền giáo dục Việt Nam so với các nước trên thế giới... Quyết tâm nêu ra là vậy nhưng mọi người đều hiểu đó là những nhiệm vụ không dễ thực hiện ngày một, ngày hai.
Trong khi đó nhiều vấn đề thực chất hơn, cụ thể hơn mà nếu Bộ Giáo dục & Đào tạo đặt ra chắc sẽ nhận được sự đồng tình của dư luận. Sự kiện GS Ngô Bảo Châu vừa được trao giải thưởng Fields, giải thưởng cao quý nhất về Toán học, đang khiến người dân cả nước nói chung và ngành giáo dục phấn chấn. Chắc chắn sự kiện này sẽ còn để lại dấu ấn trong lòng người dân Việt Nam.
Bài phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu tại buổi lễ vinh danh ông tối 29/8 vừa qua chứa đựng nhiều thông điệp của một trí tuệ ở tầm cao của thế giới. Khi ông nói “Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành vẫn được coi là quan trọng nhất, nhưng tình yêu khoa học, yêu tri thức, theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn là chuyện hiếm hoi” chắc chắn ông đã không chủ quan. Một sự thật mà chúng ta đều thấy, trong nhà trường của chúng ta hiện nay là môi trường “đua chen” học tập chứ không phải là không khí mà ở đó các em được khơi gợi cảm hứng say mê học tập. Học sinh, sinh viên và cả giáo viên được đánh giá thông qua điểm số, qua danh hiệu và số học sinh thi đỗ đại học... Có những lớp học mà tỷ lệ học sinh giỏi đạt 100% nhưng ngay cả bố mẹ các em cũng không tin vào kết quả đó. Có những phụ huynh quan tâm đến chuyện học hành của con cái bằng việc “chạy điểm” cho con...
Bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu cũng cho thấy dù ở đỉnh cao của học thuật, ông vẫn chú ý và gọi tên đúng thực chất những vấn đề của giáo dục Việt Nam. Với tinh thần đó, thiết nghĩ, chủ đề của một năm học sẽ thực tế hơn khi nó gói gọn trong một mục tiêu cụ thể nào đó chứ không phải là một chủ đề quá chung chung.
Năm học vừa qua, bạo lực học đường trở thành vấn đề nhức nhối đối với nhà trường và được dư luận đặc biệt quan tâm. Vì vậy, năm nay Bộ đưa thêm phong trào “nói không với bạo lực” vào hoạt động của nhà trường. Trong lúc nhiều phong trào khác như phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào “nói không với đọc chép”... vẫn chưa được tổng kết rút kinh nghiệm thì nhiều người đặt câu hỏi, liệu có vì “phong trào” mới này mà các em học sinh trở nên ngoan hơn, ít đánh nhau hơn hay không?
Chủ đề năm học thì rộng lớn, các phong trào thì quá nhiều, thành thử những nhiệm vụ thực tế hơn lại được nhiều giáo viên và phụ huynh quan tâm như yêu cầu về “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh. “Ba đủ” thực sự là cần thiết khi mà vào năm học mới, ngành giáo dục ở huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) vẫn đau đầu lo lắng chỗ ở nội trú cho học sinh, lo không đủ giáo viên đứng lớp; ngành giáo dục ở Cà Mau thì lo vận động các mạnh thường quân mua xe đạp cho học sinh nghèo, thống kê những em có nhu cầu đi học bằng phương tiện đò để lập danh sách hỗ trợ nhằm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học....Và còn bao học sinh ở vùng lũ, vùng sâu, vùng xa khác phải vượt lên thiếu thốn để đến đến trường.
Tiếng trống trường đã vang lên trên khắp cả nước, thời khắc chính thức bước vào một năm học mới đã bắt đầu. Chúng ta lại đặt hy vọng ngành giáo dục sẽ có nhiều đổi mới, dạy và học đi vào thực chất./.