Nghĩ gì về trách nhiệm của cơ quan quản lý?
Các công trình này xảy ra sự cố, trước hết trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị giám sát thi công tùy mức độ liên quan, người đứng đầu các đơn vị này phải bị xử lý theo pháp luật.
Như đã đưa tin, mới đây công trình cầu cạn Pháp Vân kéo dài (thuộc Dự án xây dựng cầu Thanh Trì) bắc qua sông Hồng, Hà Nội bị sập 4 thanh dầm. Gói thầu này do Công ty cầu 7 Thăng Long thuộc Tổng Công ty xây dựng cầu Thăng Long thi công. Vụ sập dầm cầu cạn nghiêm trọng này tuy không gây chết người nhưng cũng cảnh báo về chất lượng công trình xây dựng cầu, đường trong ngành giao thông vận tải.
Dự án xây dựng cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng có tổng chiều dài 12,8km, tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng sử dụng vốn vay ODA. Trong dự án này có gói thầu xây dựng cầu cạn Pháp Vân chiều dài 2.484 m, rộng 22 m, có 4 làn xe ô tô được nối với cầu dẫn cầu Thanh Trì nằm trên tuyến đường vành đai 3. Tổng giá trị gói thầu này hơn 993 tỷ đồng. Cầu cạn Pháp Vân bị sập 4 thanh dầm bê tông bên trái dài 33 mét nối trụ cầu 73 và 74. Đây là phần dầm đúc sẵn đã được thi công lao dầm từ tháng 12-2009. Tại hiện trường, các thanh dầm bị rơi từ độ cao khoảng 8 m, một số thanh vị gẫy thành nhiều đoạn; có hai thanh dầm nằm phía trong bị gẫy gập nhiều đoạn nhưng hai đầu dầm vẫn gác trên thành trụ 73 và 74…
Hiện nay, cơ quan điều tra cùng với các cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân vụ sập dầm cầu cạn Pháp Vân; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bởi đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an toàn tính mạng của người dân. Nếu cầu cạn Pháp Vân đã đi vào sử dụng bị sập gãy thì tác hại của nó thật khôn lường.
Theo kết quả điều tra ban đầu, thì nguyên nhân gây vụ sập sập thanh dầm cầu là do đơn vị thi công không bố trí thanh chống dỡ, nên các thanh dầm bị nghiêng và sập. Sau khi xảy ra vụ việc, nhà thầu là Tổng Công ty xây dựng Thăng Long nhận toàn bộ trách nhiệm về sự cố. Và đến nay, cả 4 đơn vị liên doanh giám sát, gồm tư vấn Phương Đông OC của Nhật Bản, Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) – Viện Nghiên cứu giao thông vận tải và Công ty tư vấn Châu Á Thái Bình Dương cũng thừa nhận đã phát hiện khá nhiều lỗi của nhà thầu, gồm cả lỗi về kỹ thuật cũng như an toàn nhưng vì nể nang nên đã bỏ qua.
Một số vụ việc nghiêm trọng khác được báo chí phát hiện đó là Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Hà Nội, do Ban quản lý dự án 2, Cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau 1 tháng đưa vào sử dụng, mặt cầu Thăng Long đã xuất hiện nhiều vết nứt, lún. Trước đó, một loạt vụ xây dựng cầu, đường do chủ đầu tư và nhà thi công rút ruột công trình dẫn đến công trình bị xuống cấp nghiêm trọng khi mới đưa vào sử dụng như vụ công trìn cầu Khe Dầu, tỉnh Quảng Bình, Công trình xây dựng cầu Văn Thánh, TP Hồ Chí Minh, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương và nhiều công trình khác…
Các công trình này xảy ra sự cố, trước hết trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị giám sát thi công tùy mức độ liên quan, người đứng đầu các đơn vị này phải bị xử lý theo pháp luật. Mặt khác, để các công trình giao thông được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng từ tiền ngân sách nhà nước, tiền vay nước ngoài mang lại hiệu quả, cần xử lý nghiêm về trách nhiệm với cơ quan quản lý của các đơn vị vừa nêu theo Nghị định 157 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm của người đứng đầu với các mức hình thức xử lý tương ứng. Đây mới có thể là biện pháp hữu hiệu hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc tiêu cực, những việc làm vô trách nhiệm, vụ lợi dẫn đến những vụ việc tương tự như vụ sập cầu cạn Pháp Vân./.