Nghĩ về tư duy Biển
Để biển trở thành một không gian phát triển chiến lược cho quốc gia, mang lại sự thịnh vượng lâu dài, cần có một tư duy đột phá về kinh tế biển
Với hơn 3.000km bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế trên biển Đông rộng hơn 1.000.000km2, Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển một cách toàn diện. Tuy vậy, để biển trở thành một không gian phát triển chiến lược cho quốc gia, mang lại sự thịnh vượng lâu dài cho nhiều thế hệ mai sau, cần có một tư duy đột phá về kinh tế biển.
Nước ta thật may mắn có mặt tiền là biển Đông rộng lớn, cùng hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Dọc theo 3.000 km bờ biển, Việt Nam còn có 100 cảng biển lớn nhỏ, 48 vũng - vịnh và khoảng 112 cửa sông lạch đổ ra biển. Đó là chưa kể rất nhiều tài nguyên khoảng sản tiềm tàng trong lòng biển và dưới thềm lục địa như dầu mỏ, băng cháy (loại năng lượng mới của loài người trong thế kỷ 21)... Không những thế, Biển Đông còn là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, có thể coi như một huyết mạch trọng yếu giúp cho nền kinh tế thế giới có thể “sống” được bình thường.
Biển Đông là không gian sinh tồn và nguồn gốc thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.Vị trí địa lý-chiến lược mà Việt Nam đang có cũng như nguồn tài sản dồi dào từ đại dương đang là nỗi thèm muốn của nhiều thế lực. Thực tế này càng khiến chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện chiến lược biển trên cơ sở một tầm nhìn sâu rộng về biển đảo.
Là một quốc gia biển, ý thức được tầm quan trọng của biển với sự tồn tại và phát triển của đất nước, tuy vậy, chúng ta quan tâm thấu đáo đến khai thác tiềm năng kinh tế biển một cách toàn diện cách đây chưa lâu. Có thể nói, chuyển đổi có tính bước ngoặt trong tư duy biển chính là Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa X. Mục tiêu của chiến lược này là sẽ biến Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Do tiềm lực kinh tế, năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế nên có một thực tế là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đánh gía được một cách chính xác nguồn tài nguyên trong lòng biển và dưới thềm lục địa, nói cách khác, ta chưa biết mình thực sự giàu như thế nào. Cũng vì lý do này, chúng ta cũng chưa nắm bắt được một cách có hệ thống các qui luật tự nhiên và môi trường biển, do vậy việc ứng dụng vào khai thác còn hạn chế. Việt Nam đang thiếu một hệ thống cơ sở dữ liệu cơ bản về biển để phục vụ công tác quản lý, qui hoạch và xây dựng các chính sách khai thác tiềm năng biển.
Từ biển, có thể phát triển nhiều ngành kinh tế như hàng hải, du lịch, thủy sản, dầu khí, đóng tàu…, tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam mới đánh thức tiềm năng của các ngành này ở mức thấp.
Để giải quyết những bất cập, hạn chế nói trên, cần có một tư duy biển mang tính đột phá, trước hết là về thể chế, chính sách.
Tư duy mở cửa, hội nhập triệt để với thế giới cũng sẽ phát huy hiệu quả rất cao trong kinh tế biển như đã thấy với nhiều ngành kinh tế khác. Cụ thể là cần chủ động thiếp lập sự hợp tác đặc biệt với các cường quốc biển (có tiềm lực mạnh về kinh tế, khoa học công nghệ) để nghiên cứu, khảo sát nhằm đánh giá một cách chính xác tiềm năng biển Việt Nam. Từ đó, lập kế hoach, qui hoạch khai thác một cách khoa học, bài bản. Cần chủ động mời gọi các nhà đầu tư lớn có tiềm lực trên thế giới tham gia cùng đầu tư, khai thác và chia sẻ lợi nhuận một cách thỏa đáng.
Ví dụ, với một cơ chế chính sách tốt, hấp dẫn, hoàn toàn có thể lôi kéo được những nhà sản xuất hàng đầu thế giới đến đầu tư vào ngành đóng tàu chứ không nhất thiết phải bỏ tiền ra tự đầu tư vào ngành này.
Các chuyên ngành kinh tế biển khác như hàng hải, du lịch, khai thác thủy sản cũng đang chờ đợi những chính sách mới có tầm tư duy đột phá.
Điều quan trọng nhất là cần làm cho tư duy biển trở thành tâm thức của mọi người dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Từ đó, tập hợp và khơi dậy được sức mạnh về tinh thần, trí tuệ, vật chất của cả dân tộc vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, biến không gian biển trở thành không gian phát triển hòa bình của dân tộc Việt Nam./.